6 thg 10, 2011

Học nghề cũng "Ngồi nhầm chỗ"

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2009, triển khai đầu năm 2010, đến nay đã qua gần 2 năm thực hiện. 

Đây là đề án lớn, có tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước lên tới gần 26.000 tỉ đồng, thể hiện quyết tâm tạo chuyển biến căn bản chất lượng lao động ở địa bàn nông thôn theo nhịp độ mỗi năm đào tạo 1 triệu lao động. Đề án được quán triệt, triển khai theo cách làm mới là đào tạo theo nhu cầu người học thay vì theo năng lực của cơ sở đào tạo và “hầu bao” ngân sách được rót hàng năm.

Chưa hết, những người có trách nhiệm triển khai phải thực hiện đề án theo phương châm “4 biết” (biết cơ sở dạy nghề trên địa bàn; biết nội dung và chính sách hỗ trợ; biết  địa chỉ làm việc sau học nghề; biết địa chỉ dạy nghề gắn với việc làm tốt), dựa trên cơ sở “6 có” (có trường dạy nghề; có cơ sở vật chất; có chương trình đào tạo; có giáo viên; có chính sách cho người học và đặc biệt là có nhu cầu đặt hàng lao động của doanh nghiệp).
Trên vùng Tây Nam Bộ, theo báo cáo của 13 tỉnh, thành, kết quả đào tạo nghể rất khả quan, tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề luôn vượt chỉ tiêu do đề án đề ra - đạt từ 70-90%. Thế nhưng, đằng sau các số liệu báo cáo lại là một nỗi lo, bởi phần nhiều trong số đó chỉ thuộc dạng tự tạo việc làm... tại nhà!
Ở một tỉnh có tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề cao ngất ngưỡng 90% như Long An, thực tế tại huyện biên giới vùng sâu Vĩnh Hưng cho thấy, trong tổng số 275 học viên tham dự 9 lớp đào tạo nghề năm 2010, đến nay chỉ có 35 học viên thực sự có việc làm, chiếm tỉ lệ có 12,7%.
Một số nơi trong tỉnh đã xuất hiện hiện tượng “ngồi nhầm lớp”. Như huyện Cần Đước, một địa phương “làm khá” công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, số liệu thống kê cho thấy có đến 567/1.435 học viên theo học các lớp đào tạo nghề... nấu ăn, chiếm tỉ lệ gần 40% (!). Một cán bộ huyện thừa nhận: “Số cán bộ xã, nhất là các chị em đoàn thể, hội phụ nữ... tranh thủ tham gia lớp đào tạo nấu ăn để cải thiện “tay nghề” phục vụ chồng con, bởi vừa được học miễn phí, vừa được hỗ trợ tiền theo ngày giờ thực học, tiền tàu xe...”.
Tương tự, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng cảnh báo hiện tượng “ngồi nhầm lớp” trong công tác đào tạo nghề do một số nơi chưa làm tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu người học, mà chỉ lo chạy theo chỉ tiêu nên tổ chức đào tạo chưa gắn kết “4 nhà” là người học, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp sử dụng lao động và chính quyền sở tại.
Mong rằng hiện tượng “ngồi nhầm lớp” trong thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020” trên vùng Tây Nam Bộ không phải là phổ biến!
Tránh việc lãng phí mất lòng tin trong quần chúng nhân dân                                                                                                                                                                                                    link gốc        

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))