10 thg 12, 2011

Kỹ thuật gieo ươm Sa nhân tím



1. GIÁ TRỊ KINH TẾ CÂY SA NHÂN
Sa nhân là một loại dược liệu quý, ở Việt Nam sa nhân đã được biết đến từ rất lâu đời là vị thuốc cổ truyền trong y học dân tộc. Bước đầu đã thống kê được 60 đơn thuốc có vị sa nhân dùng trong các trường hợp ăn không tiêu, kiết lỵ, đau dạ dày, phong tê thấp, sốt rét, đau răng, phù thũng. Ngoài ra, sa nhân còn được dùng làm gia vị, hương liệu để sản xuất xà phòng, nước gội đầu và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
2. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA CÂY SA NHÂN TÍM
2.1. Đặc điểm hình thái
Gieo ươm sa nhân tím từ hạtSa nhân tím (Amomum longiliqulare T.L.Wu) thuộc chi Amomum, họ Gừng (Zingiberaceae). Là cây thân thảo sống lâu năm, thân rễ khoẻ, bò lan dưới đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất, tái sinh bằng thân ngầm. Chiều cao cây 2,0-2,5m, là loài duy nhất có bẹ lá ôm thân bong ra ở gần đỉnh bẹ dài 2-3cm. Lá hình elip, hình mác, chiều rộng 4-6cm, chiều dài 30-35cm. Hoa dạng bông mọc cụm từ thân ngầm, có cán, mỗi cụm thường 8-12 bông. Cánh hoa màu trắng, có sọc đỏ ở giữa, viền vàng, bầu hơi phồng có lông và vòi nhụy có lông tơ ngắn. Cụm quả từ 4-8 quả, cuống quả ngắn có gai, quả hình tròn hoặc hình trứng dài. Sa nhân tím có hai vụ thu hoạch là vụ hè và vụ thu đông.
2.2. Đặc điểm sinh lý, sinh thái
Sa nhân là cây nhiệt đới, thích hợp với nền nhiệt độ bình quân hàng năm từ 22-28oC. Sa nhân mọc hoang dại dưới tán rừng, đặc biệt trong thung lũng và khe núi, nơi có độ ẩm không khí cao và mát. Là cây chịu bóng, sống dưới ánh sáng tán xạ, dưới tán rừng có độ tàn che 0,5-0,6. Độ che bóng lớn, cây sa nhân ít ra hoa kết quả thậm chí không ra hoa kết quả. Dưới ánh sáng trực xạ, cây sa nhân sinh trưởng xấu và lá bị vàng.
Sa nhân đòi hỏi nước rất nghiêm ngặt, lượng mưa hàng năm khoảng 1.800-2.500 mm, độ ẩm bình quân hàng năm trên 80% là tốt. Trong thời kỳ nở hoa đậu quả, nếu gặp độ ẩm không khí cao thì tỷ lệ đậu quả cao, ngược lại nếu bị mưa dầm thì làm cho hoa bị thối nên đậu quả thấp; nếu gặp khô hạn sẽ làm cho hoa khô héo, quả lép nên sản lượng giảm.
Cây sa nhân không đòi hỏi đất đai tốt lắm, đất pha cát, đất thịt, đất bạc màu đều có thể phát triển, chỉ yêu cầu thoát nước tốt.
2.3. Phân bố
Sa nhân có nhiều loại, có đặc điểm về sinh thái khác nhau. Ở Việt Nam cây sa nhân phân bố rất rộng từ vùng Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang, đồng bằng Nam Bộ (80 vĩ độ Bắc) đến tận vùng núi phía Bắc, huyện Nguyên Bình thuộc tỉnh Cao Bằng (nằm ở 230 vĩ độ Bắc). Sa nhân cũng mọc tự nhiên ở các vùng đồi, đến các vùng cao nguyên như Tây Nguyên, Mộc Châu (Sơn La), Đồng Văn (Hà Giang), tận các vùng núi cao 1.000m so với mặt biển. Tuy nhiên, ở các vùng có độ cao <= 800m và có lượng mưa 1.500-3.000mm, có nhiều sa nhân phân bố tập trung.Sa nhân tím 6 tháng tuổi trong vườn ươm.
Sa nhân tím phân bố nhiều ở một số tỉnh như Phú Thọ, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Gia Lai... Tại Quảng Ngãi, sa nhân tím phân bố ở tất cả 6 huyện miền núi và tập trung nhiều ở huyện Ba Tơ, Minh Long...
3. KỸ THUẬT GIEO TẠO CÂY GIỐNG SA NHÂN TÍM
3.1. Kỹ thuật gieo ươm sa nhân tím từ hạt:
3.1.1. Tiêu chuẩn cây giống, hạt giống:
Chọn cây để lấy giống ở những vườn đã được khoanh nuôi bảo vệ hoặc vườn sa nhân tím trồng, giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Cây lấy giống to mọc khỏe, lá màu xanh đậm, không bị sâu bệnh, trong thời gian quả chín (đầu tháng 8) chọn hái những quả to, hạt mẩy, vỏ quả màu đỏ, hạt màu đen, chắc, không nhăn nheo.
Một kg quả tươi có 315-380 quả tùy theo xuất xứ (Sa nhân tím xuất xứ Quảng Ngãi có 370 quả/kg, Phú Yên - 380 quả/kg, Gia Lai - 373 quả/kg, Bình Định - 368 quả/kg, Khánh Hòa - 313 quả/kg); có 25-30 hạt/quả. Trọng lượng 1.000 hạt = 8-10 g.
3.1.2. Thu hạt giống và gieo ươm:
Quả già được chọn vỏ chuyển sang màu chín đậm, bóc vỏ thấy hạt màu đen. Đem về ủ vài ngày cho hạt chín đều rồi bóc vỏ, lấy hạt rửa sạch lớp nhớt và lớp vỏ mỏng màu trắng quanh hạt. Đãi bỏ hạt lép và tạp chất, chỉ lấy những hạt còn tươi màu nâu đen, hạt chìm. Hạt sau khi rửa sạch thì vớt ra và để khô trong mát hoặc dưới nắng nhẹ (khoảng 1-2 giờ).
Sau khi hạt khô thì ngâm vào nước ấm khoảng 50 - 550C (2 sôi + 3 lạnh); ngâm từ 7-8 giờ sau đó vớt ra, hong cho ráo hạt và đem gieo vào đất.
Đất gieo có thể là đất cát pha hoặc đất cát, chú ý là luôn giữ ẩm thường xuyên cho hạt. Để đảm bảo độ ẩm cho hạt có thể phủ lên trên bằng một lớp xơ dừa hoặc rơm, xơ dừa trước khi phủ phải được phơi khô hoặc xử lý để diệt vi khuẩn và nấm gây bệnh.
Rắc hạt lên cát có xử lý bằng dung dịch Bordeaux (Boocđô) 0,5% hoặc Bavistin để phòng trừ nấm bệnh rồi phủ lớp cát mịn lên vừa kín hạt, tưới nhẹ bằng vòi phun sương hàng ngày cho đủ ẩm. Rắc thuốc trừ kiến xung quanh luống gieo. Làm giàn che cho luống gieo với tỷ lệ che phủ khoảng 50 - 60%.
Sau 15 ngày hạt nhú mầm, sau 25 ngày hạt mọc đều. Thời gian từ lúc nẩy mầm đến khi kết thúc quá trình nẩy mầm khoảng 20 ngày. Tưới nước, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại vườn ươm cây sa nhân.
Mật độ vườn ươm từ 15 - 20 cây/m2, (15.000 - 20.000 cây/1.000m2)
Khi cây được 2 - 3 lá thì cấy vào bầu, bầu là túi bầu polyetylen (PE) đục lỗ, bầu ươm có kích thước 10 x 14 cm cho cây 5 tháng tuổi và 15 x 20 cm cho cây 9 - 12 tháng tuổi.
Thành phần ruột bầu: 89% đất phù sa (cát pha hoặc thịt nhẹ) hoặc đất tầng A + 10% phân chuồng hoai mục + 1% phân lân vi sinh; hoặc 60% đất tầng A + 20% xơ dừa + 19% phân chuồng + 1% phân lân vi sinh.
Bầu được xếp thành luống rộng 1 m, dài 10 m, rãnh luống 0,5 m.         
- Chăm sóc cây con:
+ Che bóng cho cây: Trong 30 ngày đầu che bóng 80%, sau giảm độ che bóng xuống 50 - 60% và đến khi xuất vườn độ che bóng còn 30 - 40%. Nguyên liệu làm giàn che tốt nhất là nứa đập dập đan thành phên hoặc nhựa PE theo tỷ lệ che bóng nêu trên.
+ Làm cỏ tưới nước: Ngày tưới một lần, lượng nước tưới phụ thuộc vào thời tiết nhưng đảm bảo cho bầu luôn đủ ẩm. Định kỳ 20 ngày một lần nhổ cỏ phá váng.
+ Bón phân: Sau khi cấy cây con 20 ngày cây sống ổn định tiến hành tưới phân (N:P:K với tỷ lệ 20:20:15) với liều lượng 0,2 kg hoà tan trong 10 lít nước tưới 5m2, phải tưới rửa lá ngay sau khi tưới phân. Cây 5 tháng xuất trồng tưới 3 lần phân khoảng cách tưới cách nhau ít nhất 1 tháng, cây 9 tháng xuất trồng tưới 5 lần phân và dừng tưới phân trước khi xuất vườn ít nhất 1 tháng.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Phải kiểm tra ngay từ khi gieo hạt, đề phòng kiến cắn cây mầm. Nếu phát hiện thấy kiến phải phun thuốc trừ kiến.
Cây sa nhân trong vườn ươm rất ít sâu bệnh, nhưng phải thường xuyên theo dõi phát hiện sâu bệnh để phun thuốc kịp thời.
+ Đảo cây: Sau khi cấy cây vào bầu được hai tháng thì tiến hành đảo bầu lần đầu và một tháng đảo cây một lần. Chú ý sau khi đảo tưới nước đẫm đến khi cây ổn định.
  Kết hợp lúc đảo bầu giãn cự ly giữa các bầu để cây phát triển cân đối, xếp hai hàng bầu cách nhau 10 - 15cm. Nhân giống sa nhân tím bằng chồi.
3.1.3. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn:
Cây con ươm 4 đến 9 tháng tuổi xuất trồng được.
* Cây 4 tháng tuổi: Chiều cao cây 20 - 25cm. Số lá trên cây 5 - 6 lá. Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại.
* Cây 9 tháng tuổi: Chiều cao cây 30 - 35cm. Số lá trên cây 7 - 8 lá. Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại.
3.2. Kỹ thuật nhân giống sa nhân tím bằng chồi:
Nhân giống vô tính của sa nhân tím hiện nay chỉ dùng cách tỉa chồi. Có ưu điểm dễ làm, đơn giản, cây nhanh ra hoa kết quả (sau trồng 10 tháng). Trong điều kiện cây sinh trưởng tốt, một cây sa nhân sau một năm có thể nhân ra 15 - 20 cây, tức là sau một năm mỗi ha cung cấp cây giống đủ trồng 3 - 4 ha.
* Nhân giống bằng chồi tạo cây con có bầu
Bứng những bụi sa nhân tím khỏe, còn rễ và thân ngầm; xếp thành bó và bao gói phần gốc và rễ cây để giữ ẩm.
Tách cây con từ bụi sa nhân tím thành những cây thân thảo hoặc từ những thân ngầm thành những đoạn thân 15 - 20 cm, cấy vào bầu đã chuẩn bị sẵn. Đối với cây thân thảo thì cấy đến ngập cổ rễ, những đoạn thân ngầm thì cấy sâu 7 - 10 cm, chóp ngọn trồi khỏi mặt đất bầu 5 - 7 cm, ém cây chặt. Chú ý tưới đẫm bầu trước khi cấy.
Bầu là túi polyetylen (PE) cỡ 15 x 20 cm hoặc 18 x 25 cm.
Thành phần ruột bầu: 89% đất phù sa (cát pha hoặc thịt nhẹ) hoặc đất tầng A + xơ dừa đã xử lý + 10% phân chuồng hoai mục + 1% phân lân vi sinh.
Hoặc 60% đất tầng A + 20% xơ dừa + 19% phân chuồng + 1% phân lân vi sinh.
Vừa đóng bầu và cấy nhánh, đóng 2/3 bầu đặt nhánh vào và tiếp tục đóng bầu đầy, chặt, xếp thành luống 8 bầu, dài 10m, lấp đất xung quanh luống cao 2/3 bầu, rãnh rộng 50 - 60cm.
Chăm sóc như chăm sóc cây con từ hạt cấy vào bầu. Sau 12 - 15 ngày thì cây đâm chồi.
Trước khi xuất vườn đảo bầu, cắt rễ đâm ra ngoài, kiểm kê, phân loại cây và xếp theo cùng cỡ chiều cao để tiện việc trồng.
- Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Cây con ươm 5 - 9 tháng tuổi  xuất  trồng được.
+ Cây 5 tháng tuổi: Chiều cao cây 30 - 35cm. Số lá trên cây khoảng 5 - 6 lá. Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại.
+ Cây 9 tháng tuổi: Chiều cao cây 40 - 50cm. Số lá trên cây 8 - 10 lá. Cây sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh hại.
TS. Nguyễn Thanh Phương;
CTV: KS. Nguyễn Quốc Hải, KS. Trần Thị Diễm Phương*
Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB, * Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ
Theo Tập san Thông tin KH&CN, số 02/2010

1 nhận xét:

sao trong bài không có phương pháp cụ thể nhân giống vô tính vậy ad

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))