10 thg 10, 2011

GS9 Lúa lai ghi điểm tại Phú Thọ


Hội thảo đầu bờ giống lúa lai 3 dòng GS9 tại Cẩm Khê, Phú Thọ
Mặc dù gặp bất lợi do thời tiết diễn biến bất thường, lịch thời vụ chậm, song giống lúa lai 3 dòng GS9 vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, ghi điểm tại tỉnh Phú Thọ.
Nhằm đánh giá, lựa chọn giống lúa lai mới có năng suất cao, chất lượng gạo ngon và có khả năng kháng bệnh tốt, vụ mùa 2011 Chi cục BVTV tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cty CP Đại Thành (Bắc Ninh) xây dựng mô hình trình diễn lúa lai 3 dòng GS9 áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê với diện tích 50 ha, trong đó 5 ha áp dụng trên giống lúa GS9. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Thọ, Phạm Văn Hiển, SRI là hệ thống thâm canh lúa cải tiến, thực hiện tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dinh dưỡng và quản lý nước.
Thực tế cho thấy, cây lúa năng suất cao khi bộ rễ khoẻ mạnh, phát triển tốt, cây đẻ nhánh khỏe và tập trung ở giai đoạn đầu, khóm lúa nhiều bông, tỷ lệ hạt chắc cao. Để đạt được kết quả trên, bà con nông dân xã Phương Xá đã được hướng dẫn áp dụng những nguyên tắc cơ bản của SRI như cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn bằng tay, bón phân hữu cơ…
Kết quả cho thấy, so với cấy theo tập quán cũ các mô hình áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI tiết kiệm được 50% lượng giống đối với lúa lai và 80% với lúa thuần. Cụ thể, SRI chỉ cần gieo 0,5 kg thóc giống cho 1 sào cấy. Trong khi làm theo tập quán cũ phải sử dụng từ 1 - 1,2 kg/sào với lúa lai, 2 - 2,5 kg/sào với lúa thuần. Giảm nước tưới 2 lần/vụ tương đương giảm 30 - 40% chi phí bơm nước. Do cấy thưa và bón phân cân đối nên cây lúa khoẻ, các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, khô vằn, rầy rất nhẹ, không phải sử dụng đến thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ... Năng suất bình quân với lúa lai đạt trên 7,5 tấn/ha và lúa thuần trên 5 tấn/ha.
Ông Nguyễn Đức Trường - TGĐ, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đại Thành cho biết, giống lúa lai 3 dòng GS9 được lai tạo và tuyển chọn bởi sự hợp tác giữa viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI và Tập đoàn SL Agritech của Philipin. GS9 được đưa vào Việt Nam khảo nghiệm và được công nhận tháng 4 năm 2010. Đặc tính sinh trưởng của giống lúa GS9 vụ xuân 130 ngày, vụ mùa 105 ngày, khả năng kháng sâu bệnh tốt đặc biệt là kháng bạc lá, rầy nâu vào vụ mùa, năng suất trung bình 7 - 8 tấn/ha, chất lượng gạo ngon, đậm cơm.
Chị Nguyễn Thị Ân ở khu 5, Phương Xá phấn khởi tâm sự, vụ mùa 2011 này chị quyết định cấy thử giống lúa lai 3 dòng GS9 theo phương pháp cải tiến SRI. Lúc đầu cũng hơi lo lắng vì không sử dụng thuốc trừ sâu song sau đó chị Ân nhận thấy giống lúa lai GS9 có ưu điểm chỉ cần cấy một dảnh, lúa đẻ nhánh rất khỏe, cây cứng không bị đổ, bông lúa dài, dày hạt và sức kháng chịu sâu bệnh rất tốt. Đặc biệt, giống lúa GS9 cơm ăn đậm, dẻo, ngon, hạt cơm không bị nát. Nhờ mạnh dạn đưa giống lúa GS9 vào cấy đại trà, vụ mùa này năng suất lúa nhà chị đạt 2,5 tạ/sào, cao hơn vụ mùa năm ngoái tới 50kg/sào. Đại diện cho người dân Phương Xá, ông Nguyễn Đình Chiểu - Chủ tịch UBND xã rất tâm đắc với giống lúa lai 3 dòng GS9. Ông cho biết, địa phương đã thử nghiệm rất nhiều giống lúa mới nhưng chưa thấy giống nào ưng ý như GS9. Ông Chiểu đề nghị tỉnh và Cty CP Đại Thành tiếp tục hỗ trợ giống và kỹ thuật để các vụ năm sau Phương Xá sẽ áp dụng đại trà giống lúa GS9 trên toàn xã.
Về việc mở rộng diện tích giống lúa GS9, ông Nguyễn Ngọc Sơn - PGĐ Sở NN-PTNT Phú Thọ cho biết: “Giống lúa lai 3 dòng GS9 được đưa thử nghiệm tại Phú Thọ từ vụ mùa năm 2010, qua ba vụ SX nhận thấy đây là giống có khả năng thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng thích hợp cho bố trí trà xuân muộn, mùa sớm. Đây là giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo khá, thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng diện tích giống lúa lai này trên địa bàn toàn tỉnh”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))