15 thg 11, 2011

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mơ


Dạng tài liệu : Bài trích bản tin
Ngôn ngữ tài liệu : Tiếng Việt
Tên nguồn trích : Nông thôn đổi mới
Dữ liệu nguồn trích : 2004/Số 27/Cách làm ăn mới
Đề mục : 68.35 Trồng trọt
Từ khoá : Cây mơ Kỹ thuật trồng Chăm sóc Trồng trọt Nông nghiệp Cây ăn quả
Nội dung:
Yêu cầu điều kiện sinh thái:
Mơ trồng thích hợp ở những nơi mùa Đông lạnh có nhiệt độ thấp, nhiệt độ lạnh dưới 150C trong tháng 12 là điều kiện thích hợp cho sự ra hoa của cây mơ vào tháng 1. Các giống mơ trơn yêu cầu về nhiệt độ ít khắt khe hơn so với các giống mơ lông.
Lượng mưa đầy đủ có lợi cho sinh trưởng và kết quả của mơ. Độ ẩm không khí phù hợp cho mơ sinh trưởng tốt và ra hoa kết quả thuận lợi là 75 – 80%.
Mơ có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng mơ sinh trưởng và phát triển thuận lợi ở đất phát triển trên đá vôi có độ pH từ 6 trở lên, có hàm lượng mùn và thành phần dinh dưỡng cao.
Các giống mơ:
- Giống mơ lông: các giống thuộc nhóm này có đặc điểm sinh trưởng chậm, cành khẳng khiu gầy guộc, hàng năm vào mùa Đông rụng lá triệt để, lá xanh đậm, mỏng, răng cưa rõ, đuôi lá thót nhọn. Quả thường nhỏ 10 – 20 g, bề mặt quả có một lớp lông tơ che phủ, hạt to chiếm 10 – 22% khối lượng quả.
- Giống mơ trơn: các giống thuộc nhóm này sinh trưởng rất khỏe và thường cho năng suất cao. Các giống này có lá dày, xanh đậm, răng cưa nông, dạng lá giống lá đào. Quả thường to 20 – 25 g, bề mặt quả nhẵn, màu xanh, không có lông. Các giống thuộc nhóm này có thời gian chín tập trung vào tháng 5.
3. Nhân giống mơ:
Mơ có thể nhân giống bằng gieo hạt, chiết cành hoặc bằng các phương pháp ghép. Đối với phương pháp ghép, sử dụng gốc ghép là các giống mơ trơn hoặc gốc ghép mận. Áp dụng phương pháp ghép cành bên hoặc phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ vào các tháng 8 và tháng 9.
4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
- Đào hố và bón lót: đào hố trồng với kích thước trung bình 70 x 70 x 70 cm. Bón lót cho mỗi hố 30 – 50 kg phân hữu cơ 0,5 kg Supe lân, 0,5 – 1 kg vôi bột, việc làm đất và bón lót phải hoàn thành trước khi trồng ít nhất là 1 tháng.
- Mật độ, khoảng cách và thời vụ trồng: trồng mơ với khoảng cách 5 m x 5 m hoặc 4 m x 5 m, tương đương với mật độ 400 – 500 cây/ha. Thời vụ trồng mơ thích hợp là vào tháng 1 – tháng 2 trước khi cây ra lộc và mưa xuân hoặc có thể trồng vào tháng 8 – tháng 9.
- Trồng và chăm sóc: ở thời vụ trồng tháng 1 – tháng 2 có thể trồng cây rễ trần, ở thời vụ tháng 8 – tháng 9 phải trồng cây có bầu để đảm bảo tỷ lệ sống cao. Sau khi trồng cần ủ gốc bằng cỏ khô hoặc rơm rạ mục và cắm cọc buộc giữ cây. Khi gặp hạn, cần tưới nước bổ sung cho mơ ở thời kỳ ra hoa và nuôi quả, duy trì chế độ tưới cho mơ đến tháng 8 và giảm dần lượng nước tưới vào tháng 9 – tháng 10.
- Bón phân: ở thời kỳ chưa mang quả, hàng năm ít nhất cần bón phân cho cây được 3 lần, lần thứ nhất vào tháng 3 – tháng 4, lần thứ hai bón vào tháng 5 – tháng 6 và lần thứ 3 cần bón trước tiết lập Đông (tháng 10 – tháng 11). Lượng phân bón hàng năm cho cây khoảng 0,3 – 0,5 kg Urê + 0,7 – 1 kg Supe lân + 0,2 – 0,3 kg Kali Clorua.
Ở thời kỳ cây đang cho quả, lượng phân bón trung bình hàng năm cho mỗi cây là: 50 – 70 kg phân chuồng + 1,2 kg – 1,5 kg Urê + 1 – 1,2 kg Supe lân + 0,7 – 0,9 kg Kali Clorua. Toàn bộ lượng phân được chia làm 3 lần bón trong năm.
Lần 1: bón vào tháng 5, bón 40% lượng phân bón vô cơ của cả năm.
Lần 2: bón vào tháng 7 – tháng 8, bón 30% lượng phân bón vô cơ cả năm.
Lần 3: bón vào tháng 9 – tháng 10, bón toàn bộ phân chuồng và phân vô cơ còn lại.
- Tạo hình, cắt tỉa: đốn tỉa sao cho cây có 3 – 5 cành cấp 1, phân bố đều về các hướng để tạo bộ khung tán cho cây.
Hàng năm sau thu hoạch quả, cần kết hợp với vệ sinh vườn để tỉa bỏ những cành trong tán, cành tăm, cành bị sâu bệnh…
5. Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu róm: sâu róm thường xuất hiện và gây hại vào tháng 5 – tháng 7, chúng ăn hại lá, làm giảm diện tích quang hợp, hạn chế sinh trưởng của cây. Phun các loại thuốc như Decis 0,1% hoặc Trebon 0,1 – 0,2%.
- Sâu đục thân: trưởng thành là loại xén tóc màu nâu và thường đẻ trứng vào chỗ nứt của vỏ. Sâu non nở ra đục vào thân cây và thỉnh thoảng đục ra một lỗ nhỏ để đùn phân ra ngoài. Bắt xén tóc vào tháng 5 – tháng 6 hoặc phun thuốc một số loại thuốc như Decis, Sherpa, Supacide khi trưởng thành đẻ trứng, hoặc dùng bông tẩm thuốc nhét vào lỗ thủng để diệt trừ sâu non.
- Rệp hại: rệp thường bám trên thân cây hoặc lá, cành làm cho thân cây bị sùi ra hoặc lá bị phồng lên do rệp hút nhựa cây tạo thành vết thương. Phun một số loại thuốc như Decis, Sherpa, Supacide … với nồng độ 0,1 – 0,2%, lần thứ nhất khi cây ra lộc và phun lại lần thứ 2 sau 7 – 10 ngày.
- Bệnh chảy gôm: bệnh tạo thành trên cây những vết loét và từ đó chảy nhựa ra và đông kết lại thành gôm. Phòng trừ bằng cách phun phòng dịch Boocđô hay Ôxy Clorua đồng. Cắt tỉa vệ sinh vườn cây sau khi thu hoạch quả để hạn chế nguồn bệnh gây hại.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả, 2004.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))