23 thg 10, 2011

"Ướp" gạo bằng thuốc diệt mối mọt



"Ướp" gạo bằng thuốc diệt mối mọt
Hóa chất "ướp" gạo
 (Tin tuc) - Trên thị trường xuất hiện nhiều loại hóa chất bảo quản gạo, một số đại lý nhỏ còn sử dụng hóa chất diệt mối mọt để bảo quản gạo bằng nhiều cách... Vậy làm thế nào để nhận biết được gạo bị phun hóa chất bảo quản?
Trôi nổi hóa chất bảo quản thực phẩm
Tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) bày bán rất nhiều loại hóa chất dùng cho bảo quản thực phẩm mà không có nhãn mác. Có sạp hàng ngay cổng chợ, bà T.T.Ng. nói sang sảng: "Hàng không bán lẻ, bán cho các vựa gạo lớn, đại lý lớn, giá 60.000đ/kg".
Tôi mặc cả giá, bà Ng. sẵng giọng: "Loại thuốc này nhiều tiện ích dễ sử dụng, cô có thể trộn đều luôn với gạo hoặc hòa tan trong nước phun trực tiếp dạng phun sương vào gạo hay ngoài bao cũng được, đảm bảo không bao giờ bị mối mọt tấn công. Còn liều lượng thì tùy sử dụng...".
Tại tiệm hàng cuối chợ, bà M. chủ hàng đon đả giới thiệu: "Không thích dùng gói hút ẩm thì em dùng loại thuốc bảo quản trộn hoặc phun trực tiếp vào gạo nhé! Phun xong đảm bảo gạo của em để vài tháng vẫn khô tơi, sờ tay vào hạt gạo thấy trơn tuột". Bà M. mang những túi bóng bên trong chứa các hạt màu trắng như bột sắn dây: "Loại này giá 80.000đ/kg. Chị bán nhiều lắm rồi, có vựa gạo lấy cả vài chục kg về bảo quản gạo, chứ lấy lẻ thì chưa bán bao giờ. Em yên tâm, loại bột này được phép cho sử dụng phun vào gạo mà!"...
Dừng ở tiệm hàng của bà H., vừa nghe nói mua hóa chất hương lài tạo thơm cho gạo, bà H. đã mang ngay ra một chai nhựa trắng có chứa dung dịch lỏng màu hồng nhạt, cũng không nhãn mác và nói luôn: "Chất này của chị không chỉ tạo hương lài cho gạo đúng là gạo hương lài mà còn nhiều thực phẩm khác. Nếu em thích hương lài thì chỉ việc xịt dung dịch vào là có mùi thơm như ý, liều lượng tùy thích mùi nhiều hay thoang thoảng. Hóa chất này được phép dùng tạo hương thơm cho các loại bánh đựng hộp đấy...".
Khử trùng phải thực hiện đúng kỹ thuật
Ông Lê Văn Lợi, phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Bình Tây, quận 6, TPHCM, đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho hay, gạo trong kho không tránh khỏi mối mọt nhưng cách phòng chống là dùng thuốc xông. Trùm kín bạt, đưa thuốc vào bao gạo phủ kín bạt, tuyệt đối không để hóa chất này phát tán vào không khí bởi nếu hít phải rất dễ bị ngộ độc như chóng mặt, nhức đầu. Tốt nhất nên nhờ công ty khử trùng tới thực hiện đúng kỹ thuật. Một số loại thuốc xông hơi được phép sử dụng trên thị trường là Aluminium photphua (ALP), Methyl bromide (CH3Br)...

"Ướp" gạo bằng thuốc diệt mối mọt, Tin tức trong ngày, hoa chat bao quan, hoa chat tao mui, uop huong cho gao, phu gia thuc pham, an toan ve sinh thuc pham, hoa chat thuc pham, bao, tin hot, tin nhanh, tin tuc
Chất bột màu trắng, không nhãn mác được bán ở chợ Kim Biên
Theo TS Đặng Chí Hiền, trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm, Viện Công nghệ Hóa học - VAST, hóa chất Aluminium photphua (ALP) là thuốc dạng bột màu đen hặc xám tro, ít tan trong nước, khi để ra ngoài không khí, dưới tác động của hơi nước AlP bị thủy phân tạo ra khí photphine (PH3) và một lượng nhỏ diphotphine (P2H4).
PH3 là chất khí không màu có mùi tỏi không tan trong nước. PH3 rất độc với người ở nồng độ 205ppm, hít thở trong thời gian 60 phút sẽ bị chết ngạt. Còn nếu ở nồng độ 1.400ppm thì chỉ cần hít trong thời gian 5 - 10 phút sẽ bị chết. PH3 có tính khuếch tán mạnh. Thời gian cách ly tối thiểu đối với vật liệu xông hơi là 14 ngày.
Đối với hóa chất Methyl bromide (CH3Br) thuốc ở thể khí không màu, không mùi vị, dễ tan trong nhiều dung môi hữu cơ và bản thân Methyl bromua lại là chất dung môi của các chất mỡ, hắc ín, cao su... Trong việc dùng khử trùng, methyl bromua chỉ được dùng ở nồng độ thấp (10 - 100g/m3) sẽ không gây nguy hiểm. Thời gian cách ly từ khi xông hơi cho đến lúc xuất gạo là 14 ngày.
Methyl bromide khi chưa chuyển hóa đã có thể gây mê cơ thể sống, khi vào cơ thể chuyển hóa thành rượu Metylic gây độc, làm tê liệt hệ thần kinh. CH3Br rất độc, ở nồng độ thấp khó nhận biết, do vậy thuốc thường cho thêm 2 - 3% Clopirin làm chất báo hiệu nguy hiểm vì chất này gây kích thích niêm mạc mắt.


Hiện chưa có biện pháp nào đề nhận biết gạo nhiễm hóa chất diệt mối mọt, do đó người tiêu dùng khi mua gạo nên đến những địa điểm, cơ sở có uy tín trên thị trường như tại các siêu thị, các vựa gạo lớn, thì gạo sẽ được kiểm định, không bị tồn kho lâu ngày trước khi đóng bao đưa ra thị trường.
TS Đặng Chí Hiền
(Viện Công nghệ Hóa học)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))