15 thg 10, 2011

DK 9901 - kẻ chinh phạt



Khả năng kết hạt và tính ổn định tốt chính là điểm làm cho nông dân có thể “kê cao gối ngủ” khi trồng giống ngô lai DK 9901.

Sơn La là tỉnh có diện tích ngô trên 130.000 ha, chiếm hơn một nửa diện tích ngô của Tây Bắc với sản lượng khổng lồ nửa triệu tấn mỗi năm. Từ bấy lâu Sơn La trở thành chiến trường không khói súng, nơi các công ty, các tập đoàn giống đa quốc gia và nội địa so kè, thử sức những “vũ khí” mới, tối thượng nhất của mình. Chiếm được thị trường Sơn La được coi là một bàn đạp vô cùng thuận lợi trong cuộc chiến giống ngô ở miền Bắc riêng và cả Việt Nam nói chung.
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong chục năm qua ở Sơn La đã có khoảng 50 giống ngô lai được trồng. Nhiều giống ngày nào thượng sơn trong thế trống dong, cờ mở giờ vội vã thu quân, bặt vô âm tín. Lắm loại cực mạnh một vùng lên đây cũng trở thành hàng phế binh, chấp nhận ngồi “mâm dưới”. Hiện tại ở Sơn La thị trường giống ngô xếp hàng chiếu trên chỉ còn hai công ty hàng đầu thế giới là Monsanto (Dekalb), Syngenta với tất cả những sản phẩm hùng mạnh nhất của mình.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt một mất một còn, nhiều chiêu thức tinh xảo đã được áp dụng. Thường trước thời điểm mùa vụ khoảng 2-3 tháng một số công ty gửi hàng cho các đại lý ấp vào không một điều kiện nhưng vụ cận kề liền chốt hàng bất ngờ theo kiểu “tiền tươi, thóc thật”. Đại lý nào không kịp gom đủ tiền liền bị công ty giống cho người rút hàng về. Đang dịp nông dân mua giống ào ào mà lại không có hàng khiến cho tự nhiên giống đó thành khan hiếm giả tạo, gây sốt sình sịch đẩy thương hiệu của công ty kia lên một tầm cao mới dù là tạm thời.
 Việc tiếp thị giống giờ cũng đã lên đến hàng tuyệt kỹ. Trước dịp Tết độc lập của người H’mông, đến Mộc Châu bất kỳ đại lý hay khu dân cư nào đều ngập tràn lô gô giới thiệu ngô giống. Thậm chí nhân dịp cả trăm ngàn đồng bào cùng hạ sơn vui hội, các quán thắng cố ngựa đặc sản của Mộc Châu cũng rợp trời băng rôn, đầy ắp hình ảnh những bắp ngô đỏ au, no tròn, căng mẩy. Từ chủ đến nhân viên quán thắng cố những ngày này cũng được trang bị “tận răng” quần áo in lô gô, khẩu hiệu của những hãng giống hùng mạnh.
DK 9901 là giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức năm 2009. Dù là lính mới nhưng tốc độ phát triển của giống đạt tới mức kinh ngạc 1.500 tấn trong năm thứ hai đưa vào thị trường Sơn La. Đó là một con số cực ấn tượng bởi thói quen của người nông dân như một thành trì cực khó công phá. Họ đã thích trồng giống nào rồi khó có cơ hội cho các giống mới khác chen chân vào nổi.
Vậy điều gì làm nên kỳ tích ấy? Đó là DK 9901 đáp ứng được cả ba vấn đề: an toàn trong sản xuất nhờ tính ổn định tốt, năng suất cao nhờ chịu trồng dày, hạt sâu cay và bảo quản sau thu hoạch dễ do lá bi kín, hạt khó bị mốc. Năm đầu tiên DK 9901 được trình diễn ở 89 điểm mô hình trên tất cả các loại đất, tiểu vùng khí hậu tại Sơn La. Lúc đầu bán giống này, không đại lý nào dám nhận hàng vì chưa biết phép thử của thị trường ra sao chỉ đến khi bà con thu hoạch mới ngớ người vì độ chấp nhận của nó. DK 9901 trồng dày được và nếu trồng thưa tỷ lệ hai bắp cao.
DK 9901 đánh đổ quan niệm ngô năng suất là phải bắp to hay khoe thân mà cùng trên một diện tích cân đong đo đếm xem ai hơn ai kém từ chất lượng hạt, lõi to hay nhỏ đến độ ẩm thấp hay cao, hiệu quả kinh tế thế nào. DK 9901 an toàn trong nắng hạn, mưa nhiều vẫn chịu đựng bởi thân chống đổ tốt. Cuối cùng giá bán ngô thương phẩm của DK 9901 luôn bằng những loại giống chất lượng tốt nhất và cao hơn từ 200đ/kg so với giống thông thường nếu bán bắp tại ruộng.
Anh Đỗ Ngọc Bách - Cán bộ công ty Dekalb kể với tôi một kỷ niệm không thể quên rằng một lần ở bản Liên Hưng cùng xã Chiềng Hắc, anh được một nông dân mời lên thăm ngô trên đồi cao. Trời nóng mà leo mãi, leo mãi qua bốn năm quả đồi vẫn chưa thấy nương ngô, ngửa mặt vẫn thấy tít tắp dốc, oải quá định thoái lui, bỗng đâu một con trâu mộng từ trên đồi lừng lững đi xuống. Thì ra chủ nương biết ý đã điều cả trâu xuống cho cán bộ cưỡi tiếp sức cuộc hành trình để còn có cái mà khoe nương ngô tốt của mình chứ.
+ DK 9901 là giống ngô lai đơn đã được đưa vào sản xuất diện rộng ở nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philipine, Indonesia và Việt Nam. Thời gian sinh trưởng 95-105 ngày (miền Nam), trên 110 ngày (miền Bắc), trồng được cả 3 vụ trong năm, thích nghi rộng, phù hợp với nhiều loại đất. Bắp to, dài, bình quân mỗi bắp có 12-14 hạt, tỷ lệ cây hai bắp cao đến 60%, tỷ lệ hạt múp đầu bắp tới 99,9%, tỷ lệ tách hạt đạt 82-85%, lá bi kín, hạt sâu cay 1,5cm, chống đổ ngã (98%).
Tại điểm làm mô hình DK 9901 tại bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu, Sơn La) một công ty giống khác đã thực hiện kế sách bao vây, dùng giống tốt nhất của mình trồng xung quanh để đối lại như một lời thách thức công khai. Không ngại ngần, Dekalb lấy chính giống ngô của đối thủ làm đối chứng cho mô hình. Giống ngô này năng suất rất cao, ngoại hình đẹp nhưng có đặc tính ổn định kém, trong điều kiện thời tiết bất thuận của vụ ngô năm 2011 đã bị tình trạng kết hạt kém, tỷ lệ bắp “đuôi chuột” nhiều.
Hôm diễn ra hội thảo đầu bờ nhiều đại biểu hết ngắm dạng bắp đều tăm tắp như đàn lợn con của DK 9901 lại quay sang ruộng bên cạnh để so sánh. Lập tức họ bị cảm giác chưng hửng khi chỉ thấy mỗi tấm biển “Giống đối chứng” đứng chơ vơ giữa thửa ruộng chẳng còn sót lại một bắp ngô nào. Một người dân sở tại ghé tai nói nhỏ với tôi rằng: “Đêm hôm trước đã có mấy người được huy động ra ruộng bẻ cho bằng sạch bắp mang về nhà vì đối chứng thế này thì xấu hổ quá”. Thực tế thu hoạch thống kê 8 m2 ngô DK 9901 tại Tà Niết được 21,5 kg bắp, tẽ ra cân được 18 kg hạt tức đạt tỷ lệ 83,8%.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))