6 thg 12, 2011

Nước máy ở nông thôn nhiễm... đủ thứ

Do nguồn nước sông, rạch bị ô nhiễm nặng nên người dân nông thôn ở ĐBSCL sử dụng nước máy ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phần lớn các trạm cấp nước hiện nay chỉ bơm nước ngầm trực tiếp đến hộ dân sử dụng chứ không xử lý.
Nước máy ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) bị nhiễm phèn và hôi nên người dân chỉ dùng để rửa, không nấu ăn được - Ảnh: Mễ Thuận
Nhiều nơi nước máy bị nhiễm phèn, kim loại nặng, coliforms, E.coli... nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác.

Nhắm mắt mà xài
Bà Võ Thị Huyền - ở ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) - cho biết nguồn nước sông, rạch ở quê bà đều bị ô nhiễm nên bắt buộc phải dùng nước máy. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi vào đầu tháng 12, nước máy ở đây vàng quạch. Người dân phải lắng một thời gian mới xài chứ không ai dám xài trực tiếp. “Có nước là mừng rồi, biết là không sạch nhưng phải nhắm mắt mà xài thôi”.
Theo ban quản lý tổ hợp tác nước sinh hoạt Hòa Bình A, xã Đồng Thạnh, hiện trạm cấp nước này có 189 hộ sử dụng. Giá nước là 2.000 đồng/m3 nhưng chất lượng nước không đạt, chủ yếu bị nhiễm phèn nặng. Tổ hợp tác cũng muốn đầu tư, nâng cấp, xử lý nước đạt tiêu chuẩn nhưng không có vốn nên đành chấp nhận tình trạng này.
Tương tự, ông Trần Văn Cần - ở xã Thạnh Trị, Gò Công Tây - cho biết nước máy ở khu vực này cũng bị nhiễm phèn. Tuần nào cũng có vài bữa nước vàng quạch không dùng được, nhưng khi người dân thắc mắc thì người có trách nhiệm trả lời: “Đang súc xả đường ống”. Ông Cần lo lắng: “Nước nhiễm phèn còn thấy được bằng mắt thường chứ nhiễm những thứ khác đâu có thấy. Từ trước đến nay chưa bao giờ chúng tôi nghe nói xét nghiệm nước và kết quả xét nghiệm ra sao cả”.
Ngược về khu vực xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo cách đó hơn 10km chúng tôi cũng thấy dân dùng nước máy vàng như trà đá. Ông Nguyễn Văn Hoa, ở ấp Đăng Phong, xã Đăng Hưng Phước, kể nhà ông cách trạm cấp nước chừng 20m nhưng cũng phải thường xuyên dùng nước nhiễm phèn.
Thiếu kinh phí, khó có nước sạch
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, thành viên ban quản lý tổ hợp tác nước Lợi An, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, trạm cấp nước này được người dân hùn tiền xây dựng khá lâu. Vừa qua, tỉnh đã cấp 315 triệu đồng xây dựng đài nước nhưng do chưa có hệ thống xử lý nên nước vẫn còn phèn. Với giá nước 3.500 đồng/m3 như hiện nay chỉ đủ chi phí duy trì hoạt động chứ không thể tích lũy đầu tư. Người dân nông thôn còn nghèo, không có tiền đóng góp mua màng lọc phèn cho trạm nên đành chấp nhận xài nước này, dù sao cũng còn tốt hơn nước sông, rạch.
Tổ hợp tác cấp nước sinh hoạt xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) có sáu giếng khoan tầng sâu, nhưng ba giếng bị nhiễm asen vượt tiêu chuẩn do không có hệ thống xử lý.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện chỉ có 231/520 trạm cấp nước nông thôn (chiếm 44,52%) có chất lượng nước đạt quy chuẩn VN. Như vậy còn hơn 50% trạm cấp nước với khoảng 100.000 hộ dân đang sử dụng nước máy không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, huyện Gò Công Tây có 17 trạm cấp nước không đạt chuẩn cho hơn 36.000 người; huyện Gò Công Đông có bảy trạm với khoảng 33.500 người sử dụng nước không đạt chuẩn; huyện Chợ Gạo có 45 trạm không đạt chuẩn với hàng chục ngàn hộ đang sử dụng.
Còn theo Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2010 cơ quan này phân tích mẫu nước chín giếng khoan tầng sâu thì tất cả đều bị nhiễm coliforms vượt tiêu chuẩn. Còn 11 giếng tầng nông được phân tích đều không đủ tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Đáng lo là có hai giếng bị nhiễm asen nặng. Ngoài ra, khi quan trắc nước mặt ở thị xã Hồng Ngự (tại khu vực nhà máy cấp nước P.An Lộc) phát hiện nước bị ô nhiễm nặng. Chẳng hạn: chỉ tiêu BOD (chỉ tiêu chất ô nhiễm do phân hủy sinh hóa) vượt ba lần, COD (chỉ tiêu chất ô nhiễm do oxy hóa) vượt 1,7 lần, SS (chất rắn lơ lửng) vượt 2,47 lần.
Mới đây Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Vĩnh Long tiến hành quan trắc 60 điểm nước mặt và 38 điểm nước ngầm. Kết quả: 48/60 điểm nước mặt không đạt chuẩn, chiếm hơn 80%. Còn nước ngầm thì bị nhiễm vi sinh, amoni, sắt tăng 2,2-2,73 lần so với năm 2010.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, các trạm cấp nước nông thôn do tổ hợp tác hoặc HTX quản lý thu tiền nước thấp (2.000-3.500 đồng/m3) nên chỉ đủ bù đắp tiền điện và nhân công vận hành. Các trạm cấp nước do doanh nghiệp quản lý thu tiền nước 5.000-6.000 đồng/m3 mới có tích lũy để nâng cấp công suất và xử lý nước đạt tiêu chuẩn trước khi cấp cho dân.
NGỌC HẬU
Nhiều bệnh do sử dụng nước không đạt chuẩn
Bác sĩ Trần Thanh Thảo, phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết tỉ lệ người dân nông thôn đang sử dụng nước không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế hiện khá cao. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như tả, thương hàn, bệnh về đường tiêu hóa, viên gan siêu vi A, viêm não, bệnh trên da, bệnh phụ khoa, bệnh do ký sinh trùng...
Thống kê cho thấy tại VN có tới 50% bệnh nhân nội trú và gần một nửa trong số 28 bệnh truyền nhiễm có liên quan đến nguồn nước. Tỉ lệ này càng có xu hướng gia tăng. Điều đáng lo ngại là do thiếu kinh phí nên việc quản lý, đầu tư các trạm cấp nước nông thôn gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng kinh phí kiểm tra, xét nghiệm nước định kỳ tỉnh Tiền Giang cần tới 16 tỉ đồng/năm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))