3 thg 12, 2011

Kỹ thuật trồng và chăm sóc (Mai vàng, Mai chiếu thủy, Đào, Quất, Lộc vừng)

Click the image to open in full size.Ngày tết ngoài “Bánh chưng xanh, câu đối đỏ”, nhà nhà đều mong có những chậu hoa đẹp, những cây kiểng quý. Hoa nở to đều, kiểng đẹp trong những ngày tết thể hiện sự may mắn, sung túc suốt cả năm. Và sau đây là những kỹ thuật trồng và chăm sóc những cây kiểng quý

1- Trồng, chăm sóc cây mai vàng: 



Chuẩn bị đất trồng: Với vùng đất thấp cần lên líp rộng 1-1,2m, có rãnh thoát nước để đảm bảo mai không bị úng ngập khi mưa hay nước ngầm dâng cao làm úng, thối rễ. Xới đất cho tơi, nhặt hết gốc cỏ. 


Nhân giống: Có thể nhân giống mai vàng phương pháp hữu tính (trồng bằng hạt) hay vô tính (chiết cành, ghép cành hoặc giâm cành). 

Bón lót: Bón phân bò, tro trấu hay phân hữu cơ công nghiệp hiệu Đầu Trâu với lượng 0,3-0,5 kg/hố trồng. Nếu trồng trong chậu cần trộn đất với phân theo tỷ lệ 3-4 phần đất, 1 phần phân hữu cơ. Rải phân xuống hố, đặt cây, rải tiếp một phần phân quanh bầu rồi lấp đất, nén chặt đất và tưới nước. Nếu trồng hạt cần gieo riêng ra líp sau mới đánh ra trồng. 

Tưới nước: Trong mùa nắng nên tưới mỗi ngày để đất đủ ẩm, mùa mưa cần đảm bảo tiêu thoát nước tốt và chỉ tưới khi đất khô. Có thể tưới tràn, tưới phun lên cả thân lá hay tưới rãnh, tưới nhỏ giọt. Mai trồng trong chậu bốc thoát hơi nước nhanh nên cần tưới nhiều lần hơn so với mai trồng trong đất. Chỉ tưới vào sáng sớm hay chiều mát (khi trời không quá nắng). Không nên tưới quá đẫm vào buổi chiều tối vì dễ phát sinh sâu bệnh do độ ẩm quá cao vào ban đêm. 

Bón phân thúc: Sau trồng 15-20 ngày khi rễ mai đã bén ra lớp đất mới cần tưới phân thúc bằng cách hòa 30-50gam NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu/20 lít nước rồi tưới vào gốc nhằm thúc cho bộ rễ mai phát triển mạnh ngay từ đầu. Bón thúc định kỳ 20-30 ngày/lần bằng phân NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 13-13-13 Đầu Trâu với lượng 20-50 gam/cây hoặc chậu (tùy theo cây lớn hay nhỏ). Đây là loại phân có tỷ lệ đạm, lân, kali cao, các chất trung, vi lượng (TE) vừa đủ nên giúp mai tăng trưởng mạnh, đặc biệt tốt cho mai sau tỉa cành tạo tán. Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 định kỳ 7-10 ngày/lần. Sau 3-4 tháng từ khi trồng có thể bón bổ sung phân hữu cơ với lượng 0,2-0,5 kg/cây (chậu). Cuối mùa mưa (cuối tháng 10 âm lịch) bắt đầu giai đoạn chuẩn bị ra hoa nên giảm lượng phân bón để khống chế tăng trưởng thân lá, chuẩn bị cho giai đoạn phân hóa mầm hoa. Giảm dần lượng nước tưới. Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 định kỳ 7-10 ngày/lần nhằm kích thích mai phân hóa mầm hoa tốt. 

Phòng trừ sâu bệnh: Nếu có sâu tơ, sâu đục thân có thể bắt bằng tay hay phun Tribon, Bi58, Sevin, Padan. Mai bị cháy lá, khô cành chủ yếu trên các lá già do nấm Pestalotia funerea gây ra, cần ngắt bỏ bớt các lá già, lá bị bệnh, phun thuốc Bordeaux, COC, Funguran, Đồng oxyxloran, Đồng sunfat…Nếu xuất hiện rệp sáp có thể phun Supracide; Mai bị rầy phun Basa.

Biện pháp xử lý để mai ra hoa đúng tết: Mai được chăm sóc như trên chắc chắn sẽ sum xuê và thuận lợi cho việc điều khiển ra hoa và để mai ra hoa đúng tết chỉ cần tác động vào việc tưới nước và tuốt lá. Vào cuối tháng 11 nên dừng bón phân vào gốc và hạn chế tưới nước để chuẩn bị tuốt lá. Từ ngày 7-10 tháng chạp, nếu quan sát thấy cây mai sung sức, đã có nụ lớn thời tiết giáp tết dự báo nắng ấm thì chắc chắn mai sẽ nở sớm do vậy đối với mai 5 cánh cần tuốt lá trễ (18-20 tháng chạp). Ngược lại nếu cây mai không sung sức, mới xuất hiện nụ nhỏ, giáp tết dự báo rét thì cần phải tuốt lá sớm (13-16 tháng chạp). Đối với mai nhiều cánh cần tuốt lá trước so với mai 5 cánh từ 5-7 ngày. Trước khi tuốt lá cần ngừng tưới nước 2-3 ngày để lá bắt đầu đanh lại, gân lá nổi lên thì tuốt lá, đồng thời tưới lại vừa đủ ẩm và phun phân bón lá Đầu Trâu 701. Trước tết 1 tuần, nếu thấy hoa cái bung vỏ lụa là chắc chắn hoa nở đúng tết; Nếu hoa cái chưa bung vỏ lụa là mai nở trễ cần xiết nước (ngưng tưới) vài ngày, đem phơi ngoài nắng (nếu trồng chậu) sau tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm (45-50oC) đồng thời phun phân bón lá Đầu Trâu 901 để kích thích mai nở sớm cho đúng tết. Nếu hoa cái đã bung vỏ lụa trước “Tết Ông Táo” thì mai sẽ nở trước tết nên cần phải bón thêm phân đạm (10-20 gam/10 lít nước) để tưới. Đồng thời cần tưới bằng nước lạnh (có thể cho nước đá vào) và dùng lưới bạt che nắng để hãm mai nhằm giúp hoa nở đúng tết. Đối với những năm nhuận, thường mai sẽ nở sớm hơn khá nhiều nên cần kéo dài thời gian bón phân thúc và tưới nước hơn so với những năm thường để kéo dài thời gian tăng trưởng thân lá, giúp mai nở đúng tết. Việc tuốt lá cũng theo nguyên tắc trên. 

Trưng mai trong những ngày Tết: Chậu mai phải để nơi thoáng mát, đủ sáng không nên để gần quạt hay chỗ có gió lùa vì sẽ làm mai mất nước nhiều rụng hoa và cả nụ sớm. Không nên để mai chỗ quá tối vì sẽ không đủ ánh sáng cho mai quang hợp, hoa sẽ rụng sớm. Nên tránh để mai gần bóng đèn có công suất lớn vì dư sáng, nhiệt độ cao cũng làm mai nở nhanh, chóng tàn. Nếu là cành mai cắm trong bình cần phải thui gốc ngay sau khi cắt để giữ nhựa và hạn chế vi khuẩn gây thối cành. Thay nước sạch nhiều lần hoặc cho mỗi lít nước 1 viên Aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối gốc cành, hoa nhanh tàn. - Chăm sóc mai sau tết: Sau thời kỳ nở hoa, mai rất mất sức nên cần được chăm sóc ngay để cây hồi phục nhanh. Nếu có đất cần chuyển ngay mai từ chậu ra trồng trong đất. Nếu không có đất cần phải thay đất mới bằng cách bỏ bớt khoảng 1/3 đất cũ trong chậu thay bằng hỗn hợp 3 phần đất mới, 1 phần phân hữu cơ. Hòa 15-25 gam phân NPK 20-20-15 Đầu Trâu trong 10 lít nước, tưới đều vào gốc mai. Tiếp tục bón thúc và tưới nước, phun phân bón lá theo chu kỳ mới như đã nêu ở trên.

2. Trồng mai chiếu thủy: 
Click the image to open in full size.
Cách trồng mai chiếu thủy tương tự mai vàng, chỉ có xử lý để ra hoa đúng tết là hơi khác. Mai chiếu thủy thường ra hoa rải rác trong năm, nhất là mùa khô. Để ra hoa đúng tết thì bón đợt phân cuối cùng vào khoảng rằm tháng 11 âm lịch. Nên dùng NPK 20-20-15+TE hay 13-13-13+TE Đầu Trâu với lượng 20-50 gam/cây tùy theo chậu/cây. Có thể rải vào đất kết hợp xới để vùi lấp phân hoặc hòa loãng để tưới. tưới nước thường xuyên hàng ngày để phân tan và ngấm vào vùng rễ cây. Sau khi bón 7 ngày, tiến hành bấm ngọn và vặt hết lá, tiếp tục tưới nước giữ ẩm và phun phân bón lá Đầu Trâu 701 hoặc 702 định kỳ 7-10 ngày/lần. Sau khi bón phân một thời gian thì cây mai ra đọt non, lá lớn dần và nụ hoa xuất hiện. Cách Tết khoảng 10-15 ngày, hoa bắt đầu nở và đến Tết thì bông nở đều.

3- Trồng, chăm sóc cây đào: 
Click the image to open in full size.
Chuẩn bị đất trồng: Đào là cây không chịu úng nên cần chọn đất cao ráo, thoát nước tốt, làm đất tơi xốp, lên luống, tạo rãnh để thoát nước tốt. Luống cao 25-30cm, rộng 70cm, rãnh rộng 30cm theo hướng đông tây. Khoảng cách trồng: 1m x 1m, trồng so le với nhau để tận dụng tốt ánh sáng mặt trời. Bón phân hữu cơ lót với lượng 2-3 kg/cây. 

Bón phân thúc: Sau tết, đối với đào trong chậu cần chuyển ngay ra trồng trong đất hoặc thay hỗn hợp đất mới (3 phần đất 1 phần phân hữu cơ). Bón lót khi trồng 3-5 kg phân hữu cơ/cây tùy theo cây lớn hay nhỏ. Đối với đào gốc sau khi thu hoạch cành bán tết cần bón 3-5 kg phân hữu cơ/cây ngay sau tết 10-15 ngày. Tưới thúc bằng cách hòa 15-25 gam phân NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu/10 lít nước để tưới sau khi bón phân hữu cơ 10-15 ngày. Bón thúc bằng phân NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu với lượng 50-100gam/cây, định kỳ 15-20 ngày/lần kết hợp xới đất và phun phân bón lá Đầu Trâu 501 hay 502 nhằm giúp cây để cây phát nhiều cành, tán sum xuê. Từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, tùy theo năm nhuận hay thường và tình hình inh trưởng của cây để quyết định ngừng bón phân gốc, chỉ phun phân bón lá Đầu Trâu 701 hoặc 702 nhằm hạn chế tăng trưởng thân lá, thúc đẩy phân hóa mầm hoa.

Tạo tán, tạo thế: Việc tạo thế phải tiến hành liên tục 5-7 ngày/lần bằng cách kết hợp uốn, buộc các cành non vào với nhau hoặc vào một khung đã định, cắt tỉa bỏ những cành ngoài ý muốn. Thế quần tụ: tán cao tạo bởi thân chính cao; bao xung quanh là các tán phụ tạo bằng những cành thấp nhỏ hơn. Thế phu thê: hai cành cấp 1 quấn quít lấy nhau. Thế long giáng có hình con rồng xà xuống mặt đất... Có thể kết hợp khắc vảy trên thân đào để tạo vẻ cổ cho cây. 

Phòng trừ sâu, bệnh: Nếu đào bị nhện đỏ làm vàng lá, rụng lá: Dùng luân phiên các loại thuốc: Regent 800WG; Sokupi; Sutin 5EC… Đào bị lở cổ rễ, đốm lá: Dùng Anvil 10EC; Carbenzim 50WP hay Penac P. Đào bị rệp sáp dùng Supracide… 

- Biện pháp điều khiển đào ra hoa vào dịp tết: Vào đầu đến trung tuần tháng 11 âm lịch, dùng dao khoanh 1 hay vài vòng xung quanh cành đào, thân đào để ức chế quá trình sinh trưởng thân lá, kích thích phân hóa mầm hoa. Giữa tháng 11 âm lịch, tiến hành tuốt bỏ hết lá đào trên cây bằng tay hay bằng cách phun Ethrel 20-25ml/10 lít nước để đào rụng lá. Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 hoặc 702 nhằm tập trung dinh dưỡng để làm nụ, đảm bảo nụ ra nhiều, ra đồng loạt, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Nếu năm nào thời tiết nóng thì cần tiến hành tuốt lá muộn hơn thời điểm trên vài ngày, năm nào thời tiết rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn vài ngày. Sau khi tuốt lá đào xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, ta phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán, thân cây đào, pha phân urea nồng độ 1% phun lên thân lá hoặc tưới nhằm hãm cho đào không ra hoa sớm. Nếu thời tiết rét kéo dài, cần phải làm giàn che cho đào và hàng ngày tưới nước ấm 40-50oC vào quanh gốc đào, thắp bóng điện vào ban đêm để sưởi và phun phân bón lá Đầu Trâu 901, 902 kích thích cho đào ra hoa đúng tết. 

Với đào thế: Trước hết, nên đánh cây và trồng cây vào chậu ngay trước khi tuốt lá 1-2 tháng. Khi đánh tránh làm cây bị đứt nhiều rễ và vỡ bầu để khi mang đi xa cây sẽ không chết. Áp dụng bón phân, tưới nước và xử lý ra hoa như trên. 
- Với đào chơi cành: Chọn mua những cành đào còn tơ, thân to, nhiều cành dăm, mắt dầy, nhiều nụ. Trước khi cắm phải hơ gốc (3-5 cm) trên lửa cho khô xém phần vỏ nhằm giữ nhựa không thẩm thấu ra ngoài, đồng thời hạn chế tối đa thối gốc do vi khuẩn.

4- Trồng, chăm sóc cây quất (tắc) cảnh: 
Click the image to open in full size.
Thời vụ và chuẩn bị đất trồng: Có thể trồng quất quanh năm nhưng nếu trồng mới bắng cành chiết tốt nhất nên trồng vào vào đầu mùa mưa. Chọn đất cao ráo, đảm bảo giữ ẩm cũng như thoát nước tốt, đất cát pha hoặc thịt nhẹ, pH từ 5-6. Lên liếp rộng 4-6m, cao 20-30cm. 

Bón phân: Bón lót 3-5 kg phân hữu cơ vào hố trồng tùy theo cây lớn, nhỏ trước khi đặt cây. Sau trồng 10-15 ngày, rễ quất đã bén ra ngoài lớp đất mới, hòa 10-20 gam NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu trong 10 lít nước tưới đều vào gốc nhằm thúc rễ phát triển mạnh. Bón thúc 20-50 gam NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu/cây, định kỳ 1 tháng/lần. Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 hoặc 502 định kỳ 10-15 ngày/lần. Khi cây chuẩn bị ra hoa cần phun phân bón lá Đầu Trâu 701 hoặc 702 định kỳ 7-10 ngày/lần. 

Phòng trừ sâu bệnh: Quất thường bị sâu vẽ bùa, rệp mềm, rệp sáp, sâu đục thân và nấm gây hại. Khi bị sâu có thể sử dụng thuốc Tribon, Bi58, Sevin, Padan... để diệt trừ. Quất bị rệp, bọ xít có thể dùng Supracide; Quất bị các bệnh do nấm gây ra cần phun thuốc Aliette, Benlate C, Sunfat đồng để phòng trừ. 

Biện pháp xử lý cho trái chín đúng dịp Tết: Cây quất thường ra hoa tự nhiên, nhất là vào sau tết, khi đó cần cắt bỏ các hoa trong đợt này, cắt đau các cây quất 1 tuổi, 2 tuổi, để thúc các cành vượt, dễ tạo tán cho cây. Khoảng tháng 6-7 âm lịch, lá non đã chuyển già, nếu phát hiện cây nào có trái phát triển thì đào bứng cây lên, rồi phơi nắng nhẹ độ 10 ngày, sau đó tỉa bỏ bớt cành lá cho cây gọn nhẹ rồi đem trồng lại (đảo quất, đánh quất). Nếu trồng trong giỏ, chậu, chỉ cần vặt hết trái, giảm tưới nước tối đa. Trước khi đảo cần cắt tỉa tạo tán lại cho đẹp. Sau khi đảo quất, tưới nước giữ đủ ẩm (4-5 ngày tưới một lần) kết hợp phun phân bón lá Đầu Trâu 701 hoặc 702. Đến giữa hoặc cuối tháng 8 âm lịch, ngừng bón phân gốc, giảm tưới nước và chỉ phun phân bón lá Đầu Trâu 701 nhằm thúc cho cây ra hoa, kết trái và làm sao cho trái chín vàng vào dịp Tết Nguyên đán. Sau khi đậu quả (hoa rụng cánh) 1 tuần, bón 3-5 kg phân hữu cơ và 50-100gam vôi bột/cây. Bón phân NPK 13-13-13+TE 15-25gam/cây, định kỳ 20-30 ngày/lần cùng với phun phân bón lá Đầu Trâu 901 hoặc 902. Cùng với bón phân cần tưới nước thường xuyên để cây xanh tốt, cho trái nhiều và đảm bảo trái sẽ chín vàng vào đúng Tết.

5- Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lộc vừng: 
Click the image to open in full size.
Cây lộc vừng thuộc nằm trong bốn loại cây cảnh quý: “Sanh, sung, tùng, lộc”. Lộc vừng là cây có thân và gốc đẹp, khi hoa nở có hương thơm, được nhiều người chơi cây cảnh ưa thích. Bộ rễ lộc vừng bán thủy sinh nên có thể trồng cạnh hồ nước hay tiểu cảnh non bộ. 

- Nhân giống: Lộc vừng có thể nhân giống bằng cả hữu tính (bằng hạt) và vô tính (bằng chiết, ghép, giâm cành). Nếu chiết thì nên tiến hành vào mùa nóng, lúc này cây phát triển mạnh, nhựa nhiều, dễ ra rễ. Nếu giâm cành cần tiến hành vào mùa hanh lạnh khi lá rụng vì lúc này nhiệt độ thấp, sự bốc thoát hơi nước từ lá ít nên lộc vừng ít bị héo lá, nhanh ra rễ. 

Trồng, chăm sóc: Nên trồng vào mùa xuân để lộc vừng nhanh bén rễ, phát triển mạnh. Bón phân NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu định kỳ 1 tháng/lần với lượng 30-50 gam/cây. Phun phân bón lá Đầu Trâu 501 hoặc 502 ở giai đoạn cây tăng trưởng mạnh và Đầu Trâu 701 hay 702 ở thời kỳ kích thích cây ra hoa, định kỳ 7-10 ngày/lần. 

Tỉa cành: Nếu lộc vừng nhiều cành , tiến hành tỉa bỏ những cành tăm, cành khuất tán để tập trung dinh dưỡng nuôi cành khỏe. Uốn tỉa từ khi cành còn non cho đến giai đoạn bánh tẻ để cây có thế đẹp. 

Biện pháp cho lộc vừng ra hoa đúng tết: Thông thường, lộc vừng ra hoa 2 vụ/năm, vào các tháng 6-7 và 10-11 âm lịch. Để lộc vừng nở hoa vào dịp tết phải làm cho lộc vừng trút bỏ toàn bộ lá già bằng cách xiết nước (ngưng tưới) hoặc khống chế nước một thời gian để đến khi lá săn lại, gân nổi lên thì phun Ethrel nồng độ 20-25 ml/10 lít nước hoặc phun KNO3 nồng độ 3-5% nhằm làm lá rụng đồng loại. Sau khi lá rụng, tưới đẫm nước và phun phân bón lá Đầu Trâu 501 hoặc 502 để kích thích cây ra lá mới. Khoảng một tháng sau, mầm lá và mầm hoa sẽ đâm ra. Khi hoa tàn, ta lại tiếp tục làm theo trình tự trên, thì lộc vừng lại tiếp tục nở hoa.



Chúc bà con 1 ngày tết vui vẻ hạnh phúc.  Và có những cây Kiểng tuyệt đẹp trong nhà
(Bài viết và hình ảnh sưu tầm từ nhiều nguồn).

2 nhận xét:

không biết kỹ thuật trên có áp dụng cho miền bắc được không?

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))