Từ một phát hiện ngẫu nhiên của người dân trồng thông nhựa ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An về khả năng kháng sâu róm của một số cây thông trên địa bàn, sau nhiều năm nghiên cứu, bố trí các thí nghiệm theo dõi, các cán bộ khoa học Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An đã chọn tạo thành công loài thông chóc (tên gọi của dân địa phương), một biến chủng đặc biệt của loài thông nhựa Pinus merkusii
có khả năng cho sản lượng nhựa và tính chống chịu sâu bệnh cao, đặc biệt là với sâu róm hại thông, đối tượng số 1 của cây thông nhựa nhằm tạo ra nguồn giống tốt phục vụ sản xuất.
Nguồn gốc: Kết quả điều tra của Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An cho thấy, trong các huyện có rừng thông nhựa Pinus merkusii tập trung tại Nghệ An thì chỉ huyện Quỳnh Lưu có số lượng cây thông chóc là 20.689 cây, chủ yếu tập trung tại các lâm phần thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu, tại các tiểu khu 344B (Đội 1, Quỳnh Xuân), 345A (Đội 2, Ngọc Sơn), 343A và 343B (Đội 2, Quỳnh Tân).
Đặc điểm hình thái: Hình thái bên ngoài của cây thông chóc cơ bản giống cây thông xoăn (tên của một giống thông nhựa khác). Tuy nhiên, có thể phân biệt thông chóc và thông xoăn bằng một số đặc điểm sau:
- Thông chóc có cành mọc chếch hẳn lên phía trên, góc phân cành đa số nhỏ hơn 45o (nên gọi là thông chóc), trong khi cành thông xoăn mọc ngang ra xung quanh tạo góc phân cành lớn trên 60o. Kích thước các cành của cây trưởng thành thông chóc khá đồng đều trong khi đa số cành thông xoăn có dạng hình cung, kích thước không đều nhau.
- Lá thông chóc hình kim, chủ yếu mọc tập trung ở đầu cành, tủa ra chếch thẳng về phía đầu cành tạo nên tán lá tương đối thưa trong khi lá thông xoăn không chỉ mọc nhiều ở đầu cành mà còn mọc rải rác đến tận gốc những cành thứ cấp.
- Khi dùng tay vuốt nhẹ, khóm lá thông chóc cho cảm giác cứng hơn trong khi lá thông xoăn mềm mại hơn, có xu hướng rũ xuống, tạo thành tán lá xum xuê hơn hẳn thông chóc. Đặc biệt khi nếm thử, lá thông chóc cho vị chát pha vị cay đậm của tinh dầu thông hơn lá thông xoăn.
Kết quả nghiên cứu:
- Về sản lượng nhựa: số liệu đo đếm trên tất cả 33 cây thông chóc dự tuyển (ký hiệu TC) đều cho sản lượng nhựa vượt mức trung bình của lâm phần thông xoăn (ký hiệu TX) làm đối chứng.
- Về khả năng kháng sâu bệnh: tổng hợp kết quả phỏng vấn người dân và số liệu quan trắc thực địa cho thấy thông chóc cũng chịu ảnh hưởng của các đối tượng sâu bệnh chung của loài thông nhựa nhưng nhìn chung khả năng chống chịu tốt hơn, mức độ bị hại ở mức thấp hơn. Đặc biệt, với loài sâu róm hại thông Dendrolimus puntatus Walker thì thông chóc có sức kháng sâu rất tốt, thể hiện ở tần suất xuất hiện sâu và cường độ gây hại của sâu đều ở mức thấp nhất.
Cụ thể vào mùa sâu non xuất hiện nhiều thì chúng thường tấn công những cây thông xoăn trước. Khi sâu xuất hiện với số lượng lớn (hàng trăm con/cây), thức ăn khan hiếm hơn thì sâu róm mới chuyển sang ăn lá các cây thông chóc. Mức độ gây hại của sâu róm đối với thông chóc ít làm ảnh hưởng đến sức sinh trưởng và sản lượng nhựa của cây. Kết quả quan trắc và theo dõi nhiều năm cho thấy hầu như các diện tích thông chóc ở Quỳnh Lưu đều vượt qua các trận dịch sâu róm mà ít bị ảnh hưởng trong khi thông xoắn lại bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều diện tích bị chết hàng loạt.
Theo khuyến cáo của Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An, loài thông chóc ở Quỳnh Lưu, Nghệ An là một biến chủng tốt của loài thông nhựa có khả năng kháng tốt với sâu róm hại thông, bà con có thể nhân giống để trồng trên diện rộng, đưa vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và tính năng phòng hộ của rừng thông.
Theo:nongnghiep.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét