25 thg 10, 2011

Cách làm mới trong hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn


Hỗ trợ nông dân phương thức sản xuất kinh doanh là xu hướng mới của nhiều dự án nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam hiện nay.
Ngày 25/10, Cục Chế Biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức giới thiệu kết quả Dự án Hợp tác kỹ thuật  phát triển ngành nghề nông thôn (JPT) do 2 cơ quan này triển khai thí điểm tại 4 tỉnh lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Ở đây, các nhà tài trợ không giúp người dân “con cá” mà đã cho họ “cần câu”, nói cách khác, người nông dân đã được hỗ trợ cách thức sản xuất và kinh doanh sản phẩm do mình làm ra.
Ông Koyama, Cố vấn trưởng Dự án cho biết việc triển khai dự án được thực hiện từ chỗ  “cầm tay chỉ việc” (lúc đầu) cho những người dân vùng cao từ việc sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa, sau đó  hướng dẫn họ đến các hội chợ bán hàng hóa, tìm hiểu thị hiếu và giá trị lợi nhuận của các sản phẩm mà họ sản xuất.
Các cán bộ của dự án cũng giúp người dân tính toán lợi nhuận để họ có thể tự điều chỉnh cách thức sản xuất ngay tại thôn, bản từ đó cùng nhau thành lập các tổ nhóm, sản xuất phát triển làng nghề tại địa phương.
Đã có nhiều đổi thay tại các vùng cao nơi dự án triển khai 3 năm nay.
Một câu chuyện thú vị mà lãnh đạo Sở NN&PTNT Sơn La nêu lên đó là việc phát triển sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc Thái.
Người con gái Thái từ trước đến nay chỉ biết dệt thổ cẩm để mang về nhà chồng chứ chưa hề mang ra chợ bán. Sau khi tiếp cận dự án, họ đã biết cải tiến mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu người mua và đạt hiệu quả kinh tế cao. Điều này đã khiến đời sống của họ được cải thiện, vị thế của họ trong gia đình nhà chồng cũng được nâng cao.
Với 8 dự án thí điểm tại các huyện vùng cao của 4 tỉnh nói trên, Bộ NN&PTNT và JICA đang nỗ lực phát triển mô hình mẫu cho các làng nghề xoay quanh việc làm thế nào để cung cấp nguồn nguyên liệu thô bền vững, tìm kiếm tiềm tăng thị trường tốt và ổn định, từ đó mang lại lợi ích cho người dân địa phương.
Các sản phẩm tiêu biểu của dự án đã được thị trường trong nước và quốc tế bước đầu biết đến như: Chè hữu cơ Than Uyên, chè cổ thụ Tủa Chùa, chè hữu cơ Pà Cò, rượu táo mèo Bắc Yên, thổ cẩm Bản Lác...
Theo ông An Văn Khanh, Cục phó Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, hiệu quả của dự án sẽ không dừng ở những giá trị kinh tế mà những người dân vùng cao thụ hưởng mà căn cứ vào đó, Bộ NNPTNT và JICA đang phối hợp để xuất bản bộ tài liệu về phát triển ngành nghề nông thôn.
Bộ tài liệu gồm 3 cuốn sách: “Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn”, “Nghiên cứu các tình huống các dự án thí điểm” và “Cẩm nang phát triển ngành nghề nông thôn” sẽ được phát hành vào đầu tháng 11 tới
                                                Theo: chinhphu.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))