23 thg 10, 2011

Kỹ thuật trồng Dứa Cayen

Chọn đất trồng dứa

- Dứa Cayen có thể trồng trên các lại đất bazan, đất đỏ vàng, đất phiến thạch, sa thạch, phiến thạch mica, granit, phù sa cổ.

- Đất có kết cấu von nhẹ dưới 30%, đất nhiễm phèn nhẹ vẫn trồng được dứa.

- Đất trồng dứa phải thoát nước, không bị úng ngập, có pHkcl: 4-6, tầng dày đất 30cm, độ dốc 5-200.

Như vậy trong điều kiện Nghệ An các loại đất ở vùng núi và vùng bán sơn địa cơ bản đạt tiêu chuẩn để trồng dứa Cayen.Quả và cây dứa


Thiết kế hàng và lô đất trồng dứa
- Đất có độ dốc dưới 80 bố trí diện tích lô dứa từ 2-3 ha, chiều dài hàng dứa 50m.

- Đất có độ dốc trên 80 bố trí diện tích lô dứa 1-1,5 ha, chiều dài hàng dứa 30-40m, làm theo đường đồng mức.

Làm đất diệt cỏ, bón lót 

- Cày sâu 25-30cm, bừa cho đất nhỏ (đường kính viên đất 2-5cm).

- Nhặt sạch rễ cây, cỏ dại trước khi trồng dứa 15 ngày. Rạch hàng bón lót trước khi trồng dứa 1-2 ngày, rạch hàng sâu 15-20cm, bón toàn bộ phân hữu cơ (nếu không có phân hữu cơ thì thay bằng phân vi sinh hoặc phân khoáng hữu cơ đa vi lượng) và 1/4 lượng phân NPK.

- Thời vụ làm đất: Làm đất theo thời vụ trồng, làm đất xong trồng dứa ngay để chống xói mòn. Đối với đất nhiệm kỳ trước đã trồng dứa thì sau khi thu hoạch quả đánh chồi phải dùng bừa đĩa nặng, bừa ngang dọc nhiều lần để nghiền nát thân dứa, sau đó bón 500-700 kg vôi bột và cày lật lấp thân dứa để làm phân bón lót cho dứa hoặc cây trồng vụ khác tiếp theo.

Chuẩn bị chồi giống dứa

- Tiêu chuẩn chồi: Chọn giống trong vườn dứa xanh tốt, không sâu bệnh, chọn cây có hình dạng quả cân đối . Tuỳ theo loại chồi mà có các tiêu chuẩn sau:

Loại chồi Trọng Lượng Chiều dài
chồi nách 250-350 30-40
chồi cuống 200-250 20-30
chồi ngọn 250-300 20-30
chồi dâm hom 200-250 20-30

Chồi làm giống phải mập, màu lá xanh đậm, phiến lá rộng và dày, không được dập nát, đỉnh sinh trưởng không bị thối.

- Bảo quản chồi giống: Để chồi giống dứa ở nơi sạch, thoáng, không bị đọng nước, không được xếp đống. Từ khi tách chồi đến khi trồng không quá 10 ngày

- Phân loại: Loại bỏ chồi nhỏ yếu, cụt gốc, chồi bị tụt lá non. Phân loại chồi theo trọng lượng đem trồng riêng từng lô để cây sinh trưởng đồng đều. Đối với chồi nách dài trên 40 cm phải cắt bớt ngọn, lá, chặt bớt gốc để lại một đoạn 2-3 cm có đai rễ màu nâu. Bóc một số lá để lộ rõ đai rễ ở phần gốc tạo điều kiện cho cây dứa khi trồng nhanh ra rễ, hồi xanh nhanh. Những chồi có trọng lượng và độ dài nhỏ hơn tiêu chuẩn nên đưa vào vườn ươm để giâm.

- Xử lý giống: Để xử lý rệp sáp cần bó chồi thành từng bó 10 hoặc 20 chồi nhúng vào thuốc Bi58 nồng độ 0,15-0,2% hoặc Basudin 0,1+0,4% dầu hỏa trong thời gian 3-5 phút. Để hạn chế bệnh thối nõn, thối thân, thối rễ… dùng các loại thuốc Aliete 80 WP hoặc Ridomil MZ 75 WP, với liều lượng: pha 0,2 kg(đối với thuốc bột) hoặc 200ml(đối với thuốc nước) vào 100 lít nước. Nhúng chồi dứa vào dung dịch thuốc đã pha trong thời gian 2-3 phút, sau đó vớt ra dốc ngọn xuống cho nước thuốc đọng ở trong cây chảy vào dụng cụ đựng thuốc đang xử lý. Sau đó đem trồng chồi giống đã xử lý.

Kỹ thuật trồng dứa
- Thời vụ trồng: Có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng vào hai vụ chính đó là:

+ Vụ Xuân: Tốt nhất từ 15/2-15/5. Tuy nhiên tuỳ vào điều kiện thời tiết cụ thể của từng vùng, từng năm, nếu mưa đều, đất đủ ẩm, độ ẩm không khí và nhiệt độ không quá cao, không có gió tây nam mạnh thì có thể kéo dài thời vụ trồng dứa đến hết tháng 6 và đầu tháng 7.

+ Vụ Thu Đông: Từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 11, nhưng cần lưu ý các thời điểm sau:

- Nếu trong tháng 8 thời tiết thuận lợi, gió tây nam nhẹ, mưa đều thì có thể tiến hành trồng dứa ngay từ đầu tháng 8.

- Trong tháng 9 và tháng 10 tuyệt đối không trồng dứa vào những thời điểm có mưa lớn, mưa kéo dài.

- Những nơi vào mùa đông kết hợp với gió mùa đông bắc trời khô hanh, ẩm độ không khí thấp thì kết thúc trồng dứa vào trung tuần tháng 11. Ngược lại những vùng khi gió mùa đông bắc có mưa phùn, ẩm độ không khí và ẩm độ đất cao thì có thể kéo dài thời vụ trồng dứa đến cuối tháng 11 và sang tháng 12.

- Mật độ, khoảng cách trồng:. Đối với trồng dứa phải bố trí trồng theo hàng kép, các cây giữa hai hàng đơn gần nhau phải được bố trí theo kiểu nanh sấu (so le).

Tuỳ theo đất tốt hay xấu, địa hình dốc hay phẳng để bố trí mật độ khoảng cách thích hợp: đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày. Cụ thể là:

- Vùng đất đỏ Bazan, đất tốt bố trí mật độ trồng từ 40.000- 42.000 cây/ha.

( a =35-40 cm, b = 40cm, c = 90-95 cm )

- Vùng đất Feralit, nhưng mới khai hoang, đất còn khá màu mỡ thì trồng với mật độ từ 43.000 - 45.000 cây/ha (a = 35 cm, b = 35 -40 cm, c = 90-95 cm ).

- Những nơi đất xấu, tầng canh tác nông thì có thể trồng với mật độ từ 45.000-50.000 cây/ha (a = 30-35cm, b = 35-40 cm, c = 90-95 cm).

- Cách trồng: Trồng thành hàng kép theo đường đồng mức, vị trí giữa các cây trong hàng bố trí theo hình nanh sấu (so le). Các hàng dứa phải thẳng và song song để dễ chăm sóc. Dùng cày rạch hàng sâu 15-20cm hoặc dùng cuốc hố sâu 15cm, bón lót, lấp phân, không để chồi dứa tiếp xúc trực tiếp với phân. Khi trồng, nõn dứa phải nhú cao hơn mặt đất một chút để khi mưa đất không lấp nõn. Lèn đất chặt cho cây đứng vững. Chồi ngọn trồng sâu 3cm, chồi cuống 5cm, chồi nách 6-8cm.

Chăm sóc dứa Cayen

Chăm sóc vườn dứa

- Dặm cây: Sau khi trồng 15-20 ngày phải trồng dặm bằng chồi tốt cùng loại.

- Trồng xen: Năm đầu trồng xen 2 hàng đậu tương, đậu xanh hoặc lạc giữa hai hàng kép để hạn chế cỏ dại, chống xói mòn, sau thu hoạch dùng cây tủ gốc dứa để giữ ẩm.

- Làm cỏ, xới xáo, vun gốc

+ Những đồi dứa có độ dốc trên 80: làm cỏ thủ công kết hợp với công cụ cải tiến. Một năm làm cỏ 3 lần: lần 1 vào tháng 3-4, lần 2 vào tháng 7, lần 3 vào tháng 10-11.

+ Đồi dứa có độ dốc dưới 80: dùng công cụ cơ giới hoặc dùng trâu cày giữa các hàng dứa kết hợp với làm cỏ thủ công. Một năm làm cỏ 3-4 lần vào các tháng 5-6, 8-9, 11-12, kết hợp làm cỏ, bón phân, vun gốc cho dứa.

+ Sau mỗi vụ thu hoạch tiến hành tỉa chồi, định hình, làm cỏ, xới xáo, bón thúc và vun gốc cho dứa để dứa ra nhiều rễ, rễ khoẻ, bám chắc vào đất, tránh đổ ngã khi có quả.

Phân bón cho dứa

- Lượng phân bón cho 1 ha dứa trong một chu kỳ thu hoạch quả
Theo hướng dẫn của Cục KN-KL thì 1 ha dứa Cayen trong một chu kỳ cần bón: 4.400-4.500 kg đạm Sunfát + 3.000-3.100 kg lân nung chảy + 2.800-3.200 kg Kali Sunfát + 700-800 kg vôi bột + 15-20 tấn phân hữu cơ.

- Thời gian bón

- Trước khi trồng, bón toàn bộ phân hữu cơ (phân vi sinh hoặc phân khoáng hữu cơ) + vôi + 1.500 kg NPK.

- Từ trồng đến thu hoạch dứa lần một: bón thúc lần 3:
+ Lần 1 sau trồng 2-3 tháng, bón 1.500 kg NPK.
+ Lần 2 sau lần 1 từ 2-3 tháng, bón 1.500 kg NPK.
+ Lần 3 trước khi xử lý ra hoa 2-3 tháng, bón 1500 kg NPK + 300 kg Kali Clorua.

- Giai đoạn thu hoạch lần 1 đến thu hoạch lần 2: Sau khi thu hoạch dứa vụ 1, bón toàn bộ phân hữu cơ (phân vi sinh hoặc phân khoáng hữu cơ) + 1.500 kg NPK. Sau khi bón lần thứ nhất 2-3 tháng bón 1.500 kg NPK và trước lúc xử lý ra hoa 2-3 tháng bón lần cuối với lượng 1.500 kg NPK + 200 kg Kali Clorua.

- Cách bón: Lần bón thứ nhất và thứ 2 sau trồng bằng cách cày hoặc xới nông hai bên hàng kép cách gốc 15-20 cm, bón xong lấp đất lại. Các lần sau đó bón trực tiếp vào đất hoặc dùng thìa cán dài 40-50 cm để bón phân NPK và kali vào nách lá sát gốc. Không để phân rơi vào nõn và lá non sẽ làm cháy lá. Nếu có điều kiện thì hoà phân thành dung dịch 3-5% phun tưới cho toàn bộ vườn dứa.

- Ngoài các yếu tố đạm, lân, kali, cây dứa còn cần Magiê, Bo và kẽm:

Nếu vườn dứa thiếu Magiê thì bón dưới dạng MgO khoảng 2-4 g/cây. Nếu thiếu Bo thì dùng dạng Borax pha nồng độ 0,2% phun cho cây, với 2,4 kg cho 1 ha. Nếu thiếu kẽm thì phun Kẽm sunfát pha nồng độ 0,5% với lượng 3 kg cho 1 ha. Thời điểm phun: lần 1 sau trồng 6 tháng phun Bo + kẽm, lần 2 trước khi xử lý ra hoa 15 ngày phun Bo.

Kích thích ra hoa

Tiêu chuẩn cây để kích thích ra hoa

Đối với dứa Cayen khi cây 40-42 lá, thường sau trồng 12-13 tháng. Nếu vụ Xuân trồng vào tháng 2-3, loại chồi lớn 300g thì sau trồng 9-10 tháng có thể xử lý được. Từ khi thu quả vụ 1 đến kích thích ra hoa vụ 2 từ 10-12 tháng. Như vậy tuỳ vào loại chồi, điều kiện sản xuất, sinh thái để bố trí thời vụ trồng hợp lý để rải vụ thu hoạch.

Các chất dùng kích thích ra hoa của cây dứa

a.) Axêtilen: là chất khí sản sinh khi cho đất đèn (Caxi các bua) tác dụng với nước. Cách sử dụng đất đèn để xử lý như sau:

-Pha chế thành dung dịch Axêtilen: áp dụng trong sản xuất dứa làm nguyên liệu cho công nghiệp: Cứ 1 lít nước hoà tan 4-5g đất đèn đập nhỏ, hạt to nhất có đường kính dưới 1cm, pha chế trong thùng có vỏ chắc chắn, đổ 2/3 nước ở nhiệt độ thường vào thùng cho đất đèn vào đậy kín, lắc hoặc khuấy đều. Dùng dung dịch đã pha đổ vào nõn dứa mỗi cây 50mm ( rót đầy nõn).

- Xử lý khô: Đập nhỏ đất đèn, kích thước hạt lớn nhất không lớn hơn hạt đậu tương (tốt nhất bằng hạt đậu xanh) trọng lượng 1-1,5g. Bỏ hạt đất đèn vào nõn dứa, mỗi cây 1 hạt vào buổi sáng khi còn sương đọng ở nõn. Nếu không có sương phải phun nước một lượt trên toàn bộ đồi dứa rồi mới bỏ mẫu đất đèn vào nõn dứa.

- Thời tiết, thời gian khi xử lý: Xử lý vào lúc trời mát, không mưa, nhiệt độ thấp. Buổi sáng từ 5-8 giờ, buổi chiều từ 16-19 giờ, mùa mưa nên xử lý 2 lần cách nhau 1-2 ngày để đạt tỷ lệ ra hoa cao.

b) Ethrel: pha Ethrel với nước sạch để có nồng độ 0,2-0,4% (2-4ml Ethrel hoà vào 1 lít nước), rót vào nõn dứa 10-15 ml/cây, để tăng hiệu quả xử lý pha thêm đạm urê. Cách pha như sau: 2,5 lít Ethrel + 20 kg urê pha vào 1.000 lít nước khuấy kỹ rồi đem phun cho 1 ha vào ngày mát hoặc chiều tối.

Thời gian xử lý và thu hoạch: 

Có thể tiến hành xử lý theo những khoảng thời gian sau:

Tháng xử lý Từ xử lý- ra hoa Từ xử lý-thu hoạch Tgian thu hoạch
8-10 50-60 6-7 2-5
11-12 60-70 7-7,5 6-7
4-6 30-35 4,5-5 9-11
7 40-45 5-6 12-1

                                                       Theo web: hội nông dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))