27 thg 10, 2011

Muốn phát triển bền vững Phải đầu tư tương xứng cho Nông nghiệp


Nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò là trụ cột quan trọng trong ôn định và phát triển kinh tế đất nước, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, một nghịch lý là mức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua tuy có nhiều cải thiện nhưng chưa tương xứng.
Việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm qua còn thấp, chỉ chiếm khoảng 6-7% tổng mức đầu tư của cả nước, trong khi GDP từ nông nghiệp, nông thôn đạt được hằng năm hơn 20%. Đây là những ý kiến mà nhiều đại biểu đặt ra tại buổi thảo luận của Quốc hội tại hội trường ngày 27-10.

Nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng đầu tư cho nông nghiệp còn bất cập là do chưa có chính sách, chiến lược ưu đãi thu hút và quy hoạch sử dụng vốn đầu tư trong nông nghiệp và các vùng nông thôn một cách rõ ràng, thống nhất và hợp lý. Trong khi cơ sở hạ tầng và trình độ văn hóa, tay nghề của lao động ở khu vực nông thôn vẫn còn thấp ; cùng với đó, việc biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố bất lợi khác đã khiến cho tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn có xu hướng tiếp tục giảm.
Theo đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), mục tiêu đầu tư xây dựng nông thôn mới vừa có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài - đây là nơi vừa bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm về an ninh kinh tế, đảm bảo về yếu tố phát triển bền vững của toàn xã hội.
Về mặt Nhà nước, những năm gần đây Chính phủ đã tích cực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm sau thường cao hơn năm trước - đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) nêu.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Cường vừa nêu, đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cho rằng, hiện nay chúng ta đang xây dựng chương trình nông thôn mới, đây là chương trình rất lớn không phải một sớm một chiều hoàn thành được.
Tính trong ba năm gần đây, Chính phủ đã chi 52% trong tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn (riêng năm 2011 đã chi cao gấp 2,21 lần so với năm 2008) - đại biểu Cường cho biết.
Tuy nhiên, về mặt xã hội, theo đại biểu Nguyễn Cường, “tổng mức đầu tư của các nguồn xã hội cho nông nghiệp, nông thôn không những không tăng lên mà lại có chiều hướng giảm”.
Cách đây 10 năm, tỷ lệ đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 13,85% nhưng đến năm 2008 tụt xuống còn 6, 45%, năm ngoái và năm nay chỉ còn khoảng hơn 6% trong khi ngành nông nghiệp đóng góp cho GDP tuy khiêm tốn khoảng 20% nhưng đầu tư xã hội cho lĩnh vực này chỉ có hơn 6% - đại biểu Cường cho đây là điều bất hợp lý!
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, để có thể thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...
Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để tăng được nguồn đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn. Theo đại biểu Cường: “Công cụ và phương tiện hữu hiệu nhất có lẽ vẫn chỉ là cơ chế, chính sách và việc quản lý điều hành của nhà nước”.
Đại biểu Cường kiến nghị, các cơ quan hoạch định chính sách cần xem xét, bổ sung chỉnh sửa các luật đầu tư, các chính sách đầu tư và tăng ưu đãi đầu tư về nông nghiệp, nông thôn, tăng ưu đãi về địa bàn đầu tư, tăng ưu đãi về lĩnh vực đầu tư, về đối tượng đầu tư.
Theo đại biểu Thịnh, Chính phủ cần rà soát lại các tiêu chí cho phù hợp với từng vùng, từng miền, chứ với 19 tiêu chí chung như hiện nay là chưa phù hợp.
Một số đại biểu kiến nghị cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mở rộng thí điểm bảo hiểm sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.
                                                    Theo : Báo nhân dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))