Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đóng góp của nông nghiệp trong GDP toàn cầu đang giảm nhanh, từ 36% vào năm 1961 xuống còn 12% vào năm 2007. Cùng với xu thế này, vai trò của lúa gạo cũng đã thay đổi.
Dự báo xuất khẩu gạo năm 2011 của VN đạt 7,5 triệu tấn. Ảnh: vccinews.vn
Hiện tại, lúa gạo chỉ chiếm tỷ trọng 0,174% GDP toàn cầu. Thậm chí, ngay cả ở các nước châu Á, nơi mà vị thế của nông nghiệp trong nền kinh tế quan trọng gấp 5,2 lần so với mức trung bình thế giới, tỉ trọng GDP của lúa gạo cũng giảm rất mạnh. Đơn cử, với Đông Nam Á, GDP của lúa gạo rơi từ 14,5% vào năm 1961 xuống chỉ còn 3,8% vào năm 2007.
GS. Choe Yangboo, Chủ tịch Hiệp hội các nhà Kinh tế nông nghiệp châu Á cho rằng: Người tiêu dùng châu Á đang có xu hướng thay đổi cơ cấu bữa ăn như các nước phương Tây và xu hướng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực. Làm thế nào để bảo vệ và phát triển kinh tế nông nghiệp ở các nước châu Á, đặc biệt là những nước trồng lúa? Làm thế nào để cho người tiêu dùng ở các thành phố lớn chú trọng hơn đến lúa gạo? Đây là những vấn đề đặt ra cho bối cảnh hiện nay và cả tương lai.
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam với tư cách là một nền nông nghiệp đa dạng, lại có nhiều cơ hội từ sự thay đổi này, vì lúa gạo chỉ là một trong những thế mạnh của Việt Nam, vấn đề là phải hoạch định xu hướng dịch chuyển của nông nghiệp thế giới.
TS.Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp -Nông thôn nhấn mạnh: Chúng ta nằm trong một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, như vậy nghĩa là chúng ta phải đi theo tín hiệu của nhu cầu. Chúng ta phải thay đổi cơ cấu như thế nào cho phù hợp. Mục tiêu chính của chúng ta là tạo thu nhập tốt cho người lao động, nhất là người nông dân chứ không phải là sản xuất lúa bằng mọi giá.
Nhiều nhà kinh tế nông nghiệp nhận định, tăng trưởng nhanh đang làm rộng khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Trong bối cảnh đó, an ninh lương thực phải xét trên 2 khía cạnh: một là đảm bảo đủ lương thực, hai là đảm bảo người dân có đủ tiền để mua lương thực. Vì vậy, ở một khía cạnh mới, an ninh lương thực phải là chuyện đảm bảo thu nhập cho người nghèo.
Cũng chung chủ đề này, ông Ryohei Kada, Viện Nghiên cứu Thiên nhiên và con người Nhật Bản chia sẻ: đa số thanh niên nông thôn đều muốn lên thành phố, họ bỏ nghề nông vì kiếm tiền ở thành phố nhiều và dễ hơn. Đây là câu chuyện của rất nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Vậy, nhiệm vụ của nông nghiệp Việt Nam là gì? Là làm sao để có những chiến lược mới, những cuộc cách mạng mới, để làm sao đưa thanh niên trở lại nông thôn, để họ sinh sống và lập nghiệp được ở đây. Tôi nghĩ là đã đến lúc cần những chính sách thật sự đột phá cho nông nghiệp.
Là một đất nước có lợi thế so sánh về nông nghiệp, sau một giai đoạn tăng trưởng khá nhanh nhờ khai thác sức lao động và tài nguyên, các chuyên gia nông nghiệp quốc tế nhìn nhận, Việt Nam cần chuẩn bị cho một chiến lược mới về phát triển nông nghiệp trong bối cảnh dịch chuyển của thị trường nông sản thế giới.
Theo vtv.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét