"Rớt giá" do chất lượng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, XK chè của nước ta chỉ đạt 12.378 tấn, trị giá hơn 18 triệu USD, giảm 0,6% về lượng và 9,9% về giá trị so với tháng 9. Tính chung 10 tháng đầu năm 2011, Việt Nam XK gần 110.000 tấn chè, trị giá gần 167 triệu USD, giảm 1,1 % so với cùng kỳ năm 2010.
Lâu nay, sản phẩm chè của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường truyền thống như Nga, Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ... Gần đây, các "cường quốc" XK chè như Srilanka, Ấn Độ... "lấn sân" sang thị trường truyền thống của Việt Nam, vì thế sản phẩm chè của nước ta gặp nhiều bất lợi, bình quân giá chè XK chỉ đạt 1,6 USD/kg, trong khi chè của Srilanka lên tới 3,3 USD/kg.
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cho rằng: "Nguyên nhân của tình trạng này là do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận trước mắt đã sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chè kém chất lượng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín ngành chè".
Đại diện Công ty Tea Estate Agencies, bà Nguyễn Thu Hằng cho biết: "Giá chè XK của nước ta thấp là do chúng ta chưa bắt kịp với nhu cầu luôn thay đổi của thế giới; lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn cao so với quy định. Đặc biệt là, các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của mình, trong khi số đông khách hàng là người khó tính, họ chấp nhận mua chè ngon với giá cao, khiến chè chất lượng thấp dễ ế ẩm. Với phẩm cấp như hiện nay, chè Việt Nam từng bước bị thu hẹp thị phần là điều khó tránh khỏi".
Nâng giá trị XK bằng cách nào?
Theo Vitas, căn cứ vào hợp đồng XK các tháng cuối năm 2011, nước ta sẽ sản xuất 90.000 tấn chè búp khô, XK đi 70 thị trường. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn tiếp diễn như hiện nay thì ngành chè sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng nghĩa với việc nhiều hợp đồng XK bị chậm, bị phạt; ngoài ra, do cạnh trạnh lẫn nhau, các doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách giảm giá bán. Chúng ta XK nhiều, nhưng giá trị thu về không đáng kể, điều này đã làm lãng phí đáng kể nguồn tài nguyên của đất nước.
Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiêp và PTNT nhận định: "Nếu tiếp tục phương thức làm ăn chụp giật, chỉ vì lợi ích trước mắt như hiện nay thì ngành chè Việt Nam sẽ bị sụp đổ, các nhà máy chế biến đảm bảo tiêu chuẩn cũng sẽ phải đóng cửa, Nhà nước thất thu thuế. Đơn cử như hồi giữa năm 2011, khi các hộ ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đua nhau làm chè bẩn và bán thẳng cho thương lái qua đường tiểu ngạch, Nhà nước bị thất thu tới 60 triệu đồng tiền thuế/ngày".
Thực hiện công văn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Vitas chấn chỉnh và nâng cao năng lực các thành viên Hiệp hội trong việc tổ chức thu mua nguyên liệu với giá hợp lý, phấn đấu đưa giá trị chè XK của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, ngành chè cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, địa phương nhằm đưa ra hướng đột phá trong việc nâng cao chất lượng chè, trong đó ưu tiên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững những thị trường truyền thống, ngành chè cần đẩy mạnh XK sang các thị trường mới cũng như sớm khôi phục thị trường Irắc; đẩy mạnh nghiên cứu và tổ chức sản xuất các loại chè cao cấp có sức cạnh tranh cao như chè ướp hương hoa quả, nước chè đóng hộp, chè thuốc, thảo mộc…
Ông Hoàng Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chè Tân Trào cho biết: "Hiện nay, khâu yếu nhất của chúng ta là xây dựng vùng nguyên liệu, vì thế, muốn XK chè được giá cao thì chúng ta phải sản xuất chè sạch, sau đó mới tiến tới đổi mới công nghệ chế biến".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét