17 thg 12, 2011

Nông sản xuất khẩu: Mệt nhoài vượt rào chất lượng

Trước hàng loạt khó khăn các thị trường nhập khẩu đặt ra với mặt hàng nông sản, liên Bộ NN-PTNT - Công thương đã tọa đàm với 64 tham tán, tùy viên, đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này.


Nông sản Việt Nam liên tiếp gặp khó tại các thị trường nhập khẩu. Ảnh minh họa.
Nông sản Việt Nam liên tiếp gặp khó tại các thị trường nhập khẩu. Ảnh minh họa.
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ tại Mỹ, cho biết, Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) mới được Chính phủ Mỹ thông qua, toàn bộ quy trình kiểm tra sẽ được chuyển từ Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) về Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Khốn khó bủa vây 
Trong đó đáng chú ý là tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với quả thanh long bị áp bằng 0, rất ngặt nghèo. Do vậy, hơn hai tháng nay, thanh long Việt Nam đã không thể tiếp cận được thị trường này sau 3 năm xuất sang Mỹ. Theo ông Nhân, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cũng đã gửi thư cho FDA đề nghị sửa đổi quy định trên nhưng chưa có kết quả. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết sẽ nhanh chóng cùng với Bộ Nông nghiệp Mỹ tháo gỡ vấn đề này.

Thị trường Đài Loan hiện cũng đang “gây khó” cho thanh long Việt Nam bằng hàng rào kỹ thuật về chỉ tiêu ruồi đục quả. Suốt từ năm 2008 tới nay, thanh long VN bị “cấm cửa” tại thị trường này. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa, theo nhận định của các tham tán, tùy viên thương mại, phía Đài Loan đã phát triển được nguồn giống thanh long khá phong phú và chất lượng ngay từ chính nguồn giống Việt Nam. Nước này dùng biện pháp trên như một rào cản kỹ thuật để bảo vệ người sản xuất trong nước.

Còn tại Chile, tất cả các mặt hàng nông sản muốn vào thị trường này đều phải được thẩm định về rủi ro tác nhân gây bệnh hại trong thời gian 1 – 2 năm. Sau khi xem xét, cán bộ chức năng của nước này sẽ đến nước xuất khẩu kiểm tra toàn bộ các cơ sở chiếu xạ, đóng gói, vườn quả… mà toàn bộ chi phí doanh nghiệp xuất khẩu phải trả.

Nhanh chóng tháo gỡ
Phó chủ nhiệm Văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc), ông Phạm Quang Tâm cho biế, giữa Việt Nam và Đài Loan chưa có hiệp định nào về kiểm dịch thực vật công nhận lẫn nhau, nên chưa tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nếu có các hiệp định công nhận lẫn nhau thì những vấn đề tương tự như hàng rào kỹ thuật sẽ được hạn chế.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Argentina, ông Dương Thế Hưng cho biết từ trước tới nay khi xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, hàng tươi sống, thủy sản vào nước này, phía Argentina yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của Việt Nam (NAFIQAD) vừa qua đề nghị Tổng cục kiểm tra chất lượng vệ sinh và ATTP của Argentina (SENASA) về cơ chế kiểm tra của 2 nước. Song, phía SENASA chưa đồng ý.

Ông Hưng cho rằng, Bộ NN-PTNT nên cử đoàn sang Argentina làm việc dứt điểm, để việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam được thuận lợi hơn.


Theo: xa luan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))