Họ là những nông dân vốn cần mẫn, giàu tâm huyết, luôn tìm tòi, sáng tạo, nên đã sớm vươn lên khá giả và trở thành tỷ phú, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp ở địa phương. * Tư Thành sầu riêng Monthong Cách thị trấn Chợ Lách 1km, theo đường bê-tông cặp vàm kinh Bổn Sồ, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Công Thành (Tư Thành) ấp Sơn Châu, xã Sơn Định (Chợ Lách), người nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất cây giống sầu riêng Monthong (Thái Lan), ổi không hạt... những năm trước đây và cacao hiện nay. Năm 2011, nhân một chuyến đi giao hàng, ông Tư Thành được người bạn giới thiệu đến Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh để mua giống cây cacao nhập từ Malaysia về trồng và nhân giống. Cacao là loại cây dễ trồng, thích hợp với thổ nhưỡng nước ta, đặc biệt, trồng xen được trong vườn dừa, sầu riêng, chôm chôm… Sau thời gian trồng và chăm sóc cho cây sung sức, ông Tư Thành tiến hành lấy mắt ghép để nhân giống. Nhờ uy tín nên các địa phương đến đặt mua cây cacao của ông với số lượng ngày càng tăng. ![]() Để minh chứng hiệu quả từ cây cacao, ông Tư Thành dẫn chúng tôi ra tận vườn ươm giống và xem cây cacao bố mẹ đầu dòng đã 11 năm tuổi, trái sai oằn và óng mượt. Ông cho biết: “Để có được cây giống đạt chuẩn, ngay từ đầu tháng 10 âl, ông bắt đầu bỏ hột vô bịch có trộn phân, bã xơ dừa… chăm sóc đến tháng 12 âl thì tháp mắt ghép cây bố mẹ vào, rồi tiếp tục chăm sóc, bón phân, xịt thuốc thường xuyên. Khi mắt ghép phát triển lên khoảng 4 tấc là bán được, giao hàng từ tháng 4 đến tháng 8 âl, sau đó tiếp tục sản xuất cho vụ tới. Do cần cù trong lao động cộng với uy tín và chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn nên chưa tròn một năm, đến thời điểm tháng 11-2011, cơ sở ông Tư Thành đã xuất 800 ngàn cây cacao, giao theo hợp đồng cho các tỉnh như: Bình Phước, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… với giá từ 5.600 - 5.800 đồng/cây, doanh thu trên 4 tỷ đồng. Nhờ nguồn thu nhập từ cây cacao, năm qua, ông đã mua thêm 6 công đất, tiếp tục sản xuất cây giống và 2 công đất để làm nhà trọ, nâng tổng diện tích sản xuất cây giống cacao đến nay lên 2ha, hàng ngày giải quyết việc làm cho 30 - 40 lao động, lương bình quân từ 1,8 - 3 triệu đồng/tháng/người. Công tác từ thiện xã hội cũng được ông thường xuyên quan tâm. Năm 2011, ông Tư Thành đã hỗ trợ 30 triệu đồng, giúp địa phương làm lộ, đường bê-tông. * Tỷ phú đất cồn Phú Đa Chuyến đò lướt sóng dòng Cổ Chiên êm ả đưa chúng tôi qua cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, Chợ Lách) gặp ông Lê Văn Lược - một người năng động và làm kinh tế có hiệu quả cao tại địa phương. Bên ly trà, ông Lược tâm sự: “Tham gia bộ đội từ năm 1968, đến năm 1969 bị địch bắt ở tù một năm. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng đến ngày thống nhất đất nước. Thời điểm đó, do kinh tế gia đình khó khăn và phải phụng dưỡng cha mẹ già nên năm 1979, ông rời quân đội về làm vườn. Với 8.000m2 đất trồng cây chôm chôm, bước đầu không có kinh nghiệm làm vườn nên năng suất không cao. Kinh tế gia đình không đủ sống, hàng đêm, khi nước ròng, ông phải trầm mình xuống sông để đăng cá. Tuy thu nhập ít ỏi, nhưng cũng phần nào giúp được gia đình vượt qua khó khăn. ![]() Đầu năm 2004, ông Ngô Văn Phúc ở Vĩnh Long sang cồn Phú Đa hợp đồng thuê phần đất bãi bồi để nạo vét ao nuôi cá da trơn. UBND xã Vĩnh Bình đã thống nhất và vận động ông vào hỗ trợ trong Ban Quản lý. Từ đó, ông Lược học hỏi và có được kinh nghiệm trong việc nuôi cá da trơn. Cuối năm 2004, ông Lược vay ngân hàng và mượn tiền của người thân (khoảng 4 lượng vàng) để góp vốn với ông Phúc mua cá về nuôi, bước đầu thu hoạch trừ chi phí còn lãi 190 triệu đồng. Trong các năm 2005-2006, do giá cá da trơn luôn biến động, giá thức ăn tăng, người nuôi cá nản lòng, có người bị phá sản, ông Phúc xin rút phần hùn, để một mình ông Lược “đứng mũi chịu sào”. Năm 2007, giá cá tạm ổn định, ông Lược đưa vào khai thác 2 ao và thu lãi khá. Đặc biệt, năm 2010 - 2011, ông Lược thả nuôi cá da trơn với số lượng lớn, sau khi chăm sóc, vừa qua thu hoạch 2 vuông, được trên 850 tấn cá, doanh thu trên 3 tỷ đồng, còn lại 1 vuông chuẩn bị thu hoạch vào đầu năm 2012. Với nguồn lợi thu được từ nuôi cá da trơn, ông Lược xây thêm ngôi nhà dự kiến khoảng 700 triệu đồng, xây bờ kè và các công trình phụ, tổng chi phí trên 300 triệu đồng. Mới đây, ông đã hỗ trợ địa phương 8 triệu đồng để mở rộng, nâng cấp mặt bằng đường bê-tông để bà con đi lại dễ dàng trên đất cồn. * Người đưa trái chôm chôm xuất ngoại Đó là ông Võ Văn Hớn, ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng (Chợ Lách), xuất thân trong gia đình nghèo, những năm 1960 - 1974, ông làm ruộng và sắm đò chở thuê cho các lái mua bán trái cây từ Phú Phụng đi Vĩnh Long. Đến ngày đất nước thống nhất, ông chuyển sang làm vườn. Nhiều năm vất vả, cực khổ mà thành quả lao động không cao, năm 1986, ông quyết định đốn hết 3ha cam, quýt, chanh… cải tạo đất trồng cây chôm chôm, nhưng giá cả lại bấp bênh, có lúc giá bán chỉ từ 1.300 đồng đến 1.500 đồng/kg. ![]() Đến năm 2000, ông nảy ra sáng kiến dùng bao nylon đậy kín gốc cây chôm chôm, tháo nước khô mương, làm cho cây bị ức chế, ra trái mùa nghịch. Kết quả thật bất ngờ, cây cho trái tốt và do nghịch vụ mùa nên bán giá cao gấp 8 lần so với vụ thuận. Phát huy thành quả đã đạt được, ông tiếp tục thuê thêm 3,5ha đất vườn để trồng chôm chôm nghịch vụ. Ông chia sẻ: “Tôi mới vừa thu hoạch xong 5ha chôm chôm, được trên 150 tấn, bán bình quân 16.000 đồng/kg, doanh thu trên 2 tỷ đồng”. Với việc xây dựng hệ thống tưới tiêu, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trái chôm chôm của ông Hớn đạt tiêu chuẩn Global GAP. Vừa qua, chuyến hàng đầu tiên xuất chôm chôm sang Australia, ông rất phấn khởi bởi giá bán cao gấp 10 lần so với trong nước. |
|
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét