Theo số liệu thống kê gần đây, 72% số dân nước ta sống ở khu vực nông thôn với hơn 38 triệu lao động, chiếm gần 70% tổng số lao động cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ước tính trung bình trong mười lao động nông thôn (phần lớn là nông dân), có đến tám người chưa qua đào tạo nghề! Kết quả khảo sát cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng hơn một triệu lao động nông thôn đến tuổi lao động có nhu cầu học nghề và tìm việc làm. Ðây là những khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi sự quan tâm giải quyết và nỗ lực vào cuộc của toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Những năm qua, thực hiện chính sách của Ðảng và Nhà nước về dạy nghề và tạo việc làm giúp lao động nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, vận động nông dân học nghề. Công tác tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, Hội Nông dân các cấp dạy nghề và phối hợp dạy nghề khoảng 150 nghìn nông dân; giúp giải quyết việc làm cho 120 nghìn lao động nông thôn. Theo số liệu của Hội Nông dân Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, hệ thống trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân các cấp đã tổ chức dạy nghề cho hơn 511 nghìn người. Qua các khóa học, gần 19 nghìn lao động tham gia học nghề dài hạn; gần 97 nghìn người học nghề ngắn hạn. Hơn 395 nghìn người khác, hầu hết là hội viên Hội Nông dân, bà con nông dân và con em nông dân được dạy nghề tại chỗ, thông qua nhiều hình thức dạy nghề đa dạng, phong phú, phù hợp trình độ của bà con các vùng, miền, thuộc lĩnh vực sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và điều kiện từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm (HTVL) của các cấp hội không ít hạn chế và bất cập. Nhận thức của một số cán bộ, hội viên về dạy nghề và HTVL cho nông dân còn chưa đầy đủ. Quy mô và chất lượng công tác dạy nghề và HTVL của các cấp hội còn thấp, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân nông thôn. Một mặt, điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ công tác ở các cấp hội còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nội dung chương trình, giáo trình về dạy nghề cho nông dân còn thiếu, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề nhiều nơi vừa thiếu, vừa yếu...
Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, hội viên Hội Nông dân các cấp, và quan trọng hơn là sự chung tay của các ban, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng để đông đảo bà con nông dân biết và tích cực tham gia học nghề, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Vấn đề khác được nhiều cán bộ cơ sở quan tâm là Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương cần tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo đúng nhu cầu dạy nghề nông dân trong những năm tới. Qua đó, xác định đúng nhu cầu học nghề của nông dân theo từng nghề, từng khu vực và cấp độ đào tạo. Xác định nhu cầu chuyển nghề tại chỗ của nông dân, nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện thí điểm một số mô hình dạy nghề đặc thù tại một số địa bàn khác nhau, phù hợp điều kiện cụ thể từng nhóm đối tượng nông dân theo độ tuổi, giới tính, năng lực nhận thức, năng lực tài chính, gắn hoạt động dạy nghề với việc hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người đã qua đào tạo nghề.
Theo báo nhân dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét