6 thg 2, 2011

Kỹ thuật gieo mạ phủ nilon

Phương pháp gieo mạ dược trên nền nilon là biện pháp kỹ thuật đơn giản, dễ làm, dễ chăm sóc, chi phí thấp. Do hiệu ứng lồng  kính nên nhiệt độ luống mạ luôn cao hơn nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 - 5oC, làm cho mạ sinh trưởng tốt, không bị chết rét. Các bước làm cụ thể được tiến hành như sau:
Chọn hạt mẩy (chỉ áp dụng đối với các giống lúa thuần): Các hạt giống lửng, lép thường mang nhiều mầm bệnh, chậm nẩy mầm làm được mạ không đồng đều. Dùng phương pháp tỷ trọng để loại trừ hạt lép, hạt lửng, cách làm đơn giản như sau: Lấy bùn ao pha loãng với nước cho vào thùng nhựa, chum vại có dung tích khoảng 20-30 lít. Dùng quả trứng gà tươi thả vào dung dịch bùn làm dụng cụ đo tỷ trọng, khi nào thấy quả trứng nổi nằm ngang lập lờ trên mặt nước, phần nổi bằng khoảng đồng xu 5.000đ kim loại là vừa (nếu trứng chìm cần cho thêm bùn, ngược lại nếu trứng nổi cần cho thêm nước), khi đó ta đổ thóc giống vào, các hạt chắc mẩy chìm xuống đáy giữ lại. Hạt lửng, hạt lép nổi lên trên mặt nước, vớt bỏ.
Khử trùng hạt giống: Có thể dùng nhiều biện pháp như: Ngâm trong nước nóng 54o trong 3-5 phút; ngâm trong dung dịch Sunphát đồng (CuSO4) nồng độ 1-4% trong 10-12 giờ để diệt mầm bệnh von, bệnh thối mộng mạ là biện pháp dễ làm, chi phí thấp. Cách làm như sau: Lấy 0,2 - 0,3 kg vôi cục hoặc 0,3 đến 0,5 kg vôi tôi (vôi mới tôi khoảng 30 - 40 ngày trở lại mới có giá trị diệt mầm bệnh), hoà trong 10 lít nước sạch, lọc lấy 6-7 kg nước vôi trong, ngâm được 6-7 kg thóc trong 10-12 giờ. Vớt thóc ra đãi sạch nước vôi, tiếp tục ngâm thêm nước lã sạch trong 60 giờ (đối với lúa thuần) và 36 giờ đối với lúa lai, ngày thay nước hai lần. Đãi sạch, đem ủ ấm trong nhiệt độ 28 - 32o C trong 30 - 40 giờ là hạt mầm.
Chọn đất gieo mạ: Chọn loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, chân vàn chủ động tưới tiêu, khuất gió bấc. Tỷ lệ đất mạ so với đất lúa là 1/7 - 1/9 (1 sào mạ cấy 7-9 sào lúa).
Bón lót cho 1 sào mạ: 2-3 tạ phân chuồng hoai mục trước khi bừa lần cuối, bót lót mặt 15 -20 kg supe lân + 2 kg đạm urê + 2 kg kali clorua trước khi trang luống mạ (có thể thay đạm, lân, kali bằng 10 kg phân tổng hợp NPK của Apatit Lào Cai hoặc Lâm Thao). Chia luống rộng 1- 1,2 m theo chiều rút nước của ruộng, trang phẳng mặt luống sao cho không đọng nước ở mặt luống.
Gieo: Lượng thóc giống gieo tính cho 1 m2 mặt luống là 0,25 - 0,3 kg. Gieo làm hai ba lần cho đều mộng mạ trên mặt luống.
Che phủ nilon: Che phủ nilon ngay sau khi vừa gieo mạ xong, cách làm như sau: Dùng các thanh tre rộng 1,5 - 2,0 cm; vót mỏng thanh tre để dễ dàng uốn thành hình vòm cống; dài 1,7 - 2,0m, cứ 1,5 - 2,0 m dài cắm một thanh uốn theo hình vòm cống, buộc liên kết chúng với nhau bằng một thanh tre dài theo chiều dọc luống cho chắc chắn. Dùng nilon hình ống màu trắng khổ 1,2 - 1,4m, dọc làm đôi chùm xung quanh luống mạ, lấy bùn ở dõng luống mạ chèn kín kỹ xung quanh sao cho không khi không lọt vào và thoát ra ngoài luống mạ được. Để nước ngập 2/3 dõng, cách mép luống mạ 2-3cm thì mặt luống mạ khi nào cũng đủ ẩm, không cần mở nilon ra để tưới tránh làm mất đi hơi ấm trong luống mạ. Sau khi gieo mạ trung bình 15 - 25 ngày, cây mạ ra được 2,5 - 3,5 lá thật đem xúc cấy là đạt yêu cầu.
Chú ý: Trước khi cấy 1-2 ngày cần dỡ bỏ nilon để mạ làm quen với môi trường bên ngoài, khi cấy không bị chết rét. 
Theo: Cục trồng trọt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))