17 thg 2, 2012

Nông dân ĐBSCL mệt mỏi với giá lúa

  Dù mới bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2011 - 2012, nhưng giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã liên tục lao dốc, xuống mức giá thấp nhất kể từ đầu vụ hè thu 2011 đến nay. Giá lúa xuống quá thấp làm người nông dân trồng lúa lo lắng, người có tiền thì trữ lại chờ giá, người không có tiền đành bấm bụng bán giá thấp.
Giá lúa xuống quá thấp làm nông dân lo lắng. Trong ảnh là nhân công bốc vác đang chuyển tươi xuống ghe cho thương lái - Ảnh: Trung Chánh
Lúa cấp thấp, cao cùng lao dốc
Những tín hiệu xấu về thị trường xuất khẩu gạo từ đầu năm 2012 đến nay, cộng thêm các địa phương khu vực ĐBSCL đang bước vào đợt thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012 làm nguồn cung tăng lên là nguyên nhân kéo giá lúa, gạo hàng hóa nội địa tiếp tục lao dốc mạnh.
Tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An - những địa phương đang thu hoạch lúa đông xuân 2011-2012, giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được thương lái thu mua chỉ còn 4.100 - 4.300 đồng/kg, tương đương 82.000 - 86.000 đồng/giạ (giạ 20kg); đối với lúa IR 50404 khô hiện tiếp tục giảm xuống mức giá kỷ lục 5.100 - 5.300 đồng/kg, tương đương 102.000-106.000 đồng/giạ. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu vụ hè thu 2011 tới nay và hiện mỗi kg lúa hàng hóa đã mất khoảng 2.700 - 3.000 đồng so với mức giá cao kỷ lục được xác lập trước đó.
Các loại lúa chất lượng cao (OM 4900), nếu như cách đây mấy ngày thương lái còn lùng tìm thu mua với mức giá rất cao, 6.700 - 6.800 đồng/kg đối với lúa tươi do được dự báo nhu cầu xuất khẩu loại gạo của giống lúa này sẽ tăng cao trong năm nay. Tuy nhiên, hiện lúa chất lượng cao cũng lao dốc cùng với các loại lúa cấp thấp và hiện còn dao động quanh mức 6.100 - 6.200 đồng/kg, giảm 500 - 600 đồng/kg.
Anh Dương Văn Mến, thương lái mua lúa tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cho biết: “Do giá lúa cấp thấp giảm quá mạnh đã hình thành một tâm lý bất ổn về thị trường lúa gạo, làm giá lúa chất lượng cao cũng lao dốc mạnh theo”.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trên websiet của mình cho biết, hiện giá gạo nguyên liệu chế biến gạo 5% tấm có giá 7.550 - 7.650 đồng/kg; 25% tấm có giá 7.400 - 7.500 đồng/kg (tùy chất lượng và địa phương), tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tại Tiền Giang thu mua với mức giá thấp hơn mức giá này từ 100 - 150 đồng/kg.
Giá gạo thành phẩm hiện dao động quanh mức giá 8.700 - 8.800 đồng/kg đối với gạo 5% tấm; từ 8.200 - 8.250 đồng/kg đối với gạo 15% tấm và 7.850 - 7.900 đồng/kg đối với gạo 25% tấm.
Bán, không bán đều khó
Giá lúa sẽ còn 3.500 đồng/kg?
Ông Trần Văn Cánh (Mười Cánh) thương lái mua lúa tại thị trường chợ đầu mới lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang dự báo: “Với diễn biến của tình hình thị trường lúa gạo nội địa như hiện nay, nhiều khả năng giá lúa sẽ tiếp tục lao dốc xuống mức giá 3.500 đồng/kg (70.000 đồng/giạ) đối với lúa IR 50404 tươi”.
Trước tình hình giá lúa xuống thấp không chỉ cánh thương lái kinh doanh lúa, gạo gặp khó khăn bởi cảnh lỗ lã cứ tiếp diễn mà người nông dân cũng lao đao vì không biết kiếm đâu ra tiền lo cho vụ sản xuất mới.
Ông Hoàng Văn Thịnh, xã Long Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long cho biết, vụ đông xuân này, gia đình ông xuống giống được 1 héc ta lúa trồng giống IR 50404, thu hoạch xong ông quyết định bán lúa tươi tại ruộng với giá chỉ có 4.150 đồng/kg. “Dù biết là giá lúa xuống quá thấp, nhưng không bán không được vì tôi đâu biết “đào” đâu ra tiền để trả nợ tiền vật tư. Nếu không trả, họ (đại lý phân thuốc - người viết) sẽ không chịu bán tiếp, vì vậy nên tôi bán để có phân thuốc lo cho vụ sau nữa” - ông Thịnh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hảo, xã Long Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long cũng đành bán lúa tươi tại ruộng với giá 4.100 đồng/kg, khi vừa thu hoạch 5 công lúa IR 50404 để có tiền trả nợ phân, thuốc cho đại lý và để có tiền lo cho vụ sản xuất tiếp theo.
Tuy nhiên, đối với những hộ dân khá giả, họ quyết định trữ lúa lại chờ giá lên mới bán, nhưng với tâm trạng lo lắng: “Không biết khi nào giá lúa mới lên lại; lỡ giá lúa tiếp tục xuống càng khổ hơn”.
“Thu hoạch xong 1,5 héc ta lúa IR 50404, nhưng giá xuống thấp quá nên tôi đem về phơi trữ lại. Nhưng trữ thì trữ lại vậy thôi, chứ tôi cũng chẳng biết giá lúa có lên lại hay không” - ông Trần Văn Nhọn, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp nói.
Không chỉ ông Nhọn, nhiều bà con làm lúa ở ĐBSCL có điều kiện kinh tế khá giả cũng quyết định chọn phương án trữ lúa lại chờ giá, nhưng với tâm trạng chung là lo lắng giá sẽ xuống tiếp.
Theo: (TBKTSG Online)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))