7 thg 3, 2012

Biến xác động vật thành... mẫu vật sống

Đó là công việc thường xuyên của một nhóm nhà chế tác tại Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
Vừa bước vào khu chế tác mẫu vật của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện KH&CN Việt Nam), đã thấy bốc lên mùi khó chịu, KS Nguyễn Thu Hường, cán bộ chế tác của phòng Chế tác và thiết kế trưng bày giải thích: nhóm đang chế tác lại con voi nặng hơn 2 tấn của một công ty du lịch ở Ba Vì bị chết.

Nghề chưa có trường đào tạo

Mùi thối bốc lên là do thuộc da và thịt ngâm thối cho rữa ra để lấy xương. “Ở nước ngoài, người ta nuôi côn trùng để phân hủy thịt, còn ở Việt Nam chưa có điều kiện nuôi côn trùng nên toàn phải ngâm thối để lấy xương”, chị Hường giải thích thêm.



Một số mẫu vật đã được chế tác xong

Từ lâu nay, đã có nhiều những xác cọp đông lạnh thu được từ các vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép hay một con voi, con gấu bị chết ở vườn thú đã được giao cho bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phục dựng lại. Đến nay, nhóm chế tác mẫu vật của bảo tàng đã nhồi hoàn thiện được gần 200 mẫu vật và trên 500 mẫu vật đã xử lý ban đầu như lột đa, ngâm thối, thuộc da… đang chờ chế tác. Các mẫu vật ở đây có đủ loại từ voi, sư tử, hổ báo, rắn, rết, bò sát, chim, cá cho đến cả các loài côn trùng, ký sinh trùng…

Công việc chế tác mẫu vật bao gồm hàng chục công đoạn phức tạp. Tùy từng loại động vật thu về mà sử dụng công nghệ xử lý khác nhau. Có loại phải cho vào bình ngâm chất bảo quản formol, có loại cần dùng đến hoá chất để lọc thịt, làm mềm da, rồi lột da, thuộc da… Với những con vật có kích thước lớn quá trình này có thể kéo dài đến cả vài tháng. Sau đó, mới dựng lại khung xương, đắp vật liệu, nhồi bông mẫu động vật. Thế nhưng, không phải cứ khoác bộ da lên là sẽ có ngay một mẫu vật để trưng bày.

PGS.TS Phạm Văn Lực, Trưởng phòng chế tác và thiết kế trưng bày, Giám đốc bảo tàng cho biết, thường một mẫu động vật thì bốn chi và đầu là những bộ phận khó tạo hình nhất. “Chế tác không chỉ đơn thuần là dựng lại mẫu vật đó mà còn phải thể hiện được thần thái, tư thế của chúng sao cho như thật, giúp người xem có cảm giác như đang nhìn thấy chúng ngoài tự nhiên”, PGS.TS Lực nói. Để làm được điều đó, nhóm chế tác phải thường xuyên vào vườn thú quan sát các loài xem dáng đậu, dáng bay, dáng cất cánh, cách leo trèo thế nào, bắt mồi ra sao, tập tính sinh hoạt có gì đặc biệt… rồi chụp ảnh, quay phim, nghiên cứu tư liệu rồi tự tái tạo chứ ở Việt Nam chưa có trường, lớp nào đào tạo ngành chế tác mẫu vật.

Công nghệ mới 
Từ xưa tới nay, trong nước đã có các nghệ nhân làm nghề nhồi mẫu. Tuy nhiên, chủ yếu là nhồi các loại động vật lớn như hổ, báo, sư tử, cầy, cáo… theo phương pháp truyền thống. Các nghệ nhân cũng tiến hành thuộc da, cũng dựng khung bằng sắt thép, sau đó nhồi bông vào bên trong, thậm chí có nơi còn nhồi bằng vỏ bào, rơm rạ… Theo nhóm chế tác, công nghệ này dễ làm nhưng lại có nhược điểm là các chất liệu làm cốt nhồi dễ hút ẩm gây hoai mục mẫu vật. Ngoài ra, nhồi bằng phương pháp truyền thống hay bị rận ăn lông (loài côn trùng phá hoại da lông thú) làm mẫu vật trụi lông, phân hủy da giảm tuổi thọ nên mẫu vật chỉ để được từ 7-10 năm.
Được sự giúp đỡ của các chuyên gia chế tác tại các bảo tàng uy tín trên trên thế giới như Thụy Điển, Nga, Pháp... Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã ứng dụng thành công phương pháp mới-phương pháp nhồi bằng cốt cố định, sử dụng chất liệu không hút ẩm, bền thời gian như composite, thạch cao hoặc tự đúc sinh vật nguyên khối sau đó dán da thuộc vào.



Kỹ Sư Trần Thanh Tú cho biết, phương pháp chế tác mới làm cho mẫu vật sinh động hơn rất nhiều, có thể tạo được dáng theo ý muốn, làm nổi lên được các đặc điểm giải phẫu học cho một con vật. Nếu chế tác khéo léo có thể nhìn thấy được cả tĩnh mạch của các con vật. Đặc biệt, phương pháp mới còn khắc phục được sự xâm hại của khí hậu nóng ẩm Việt Nam nên mẫu vật có thể được bảo quản đến hàng trăm năm. 
        \
        Theo: Báo đất việt



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))