30 thg 10, 2012

Ôi quê tôi tan nát hết rồi


Mạnh, bất ngờ, đổ bộ trong đêm tối, bão số 8 thực sự trở thành cơn ác mộng đối với tỉnh Nam Định.  Dự bão chậm khiến thiệt hại quá nặng nề.
Trắng đồng sau bão
Hai địa phương được bão số 8 chọn làm tâm để quần thảo ở tỉnh Nam Định là huyện Hải Hậu và Giao Thủy. Chỉ trong vòng có một đêm, đồng lúa, đồng hoa màu vụ đông trở thành đồng chết. Đầm tôm, ao nuôi trồng thủy sản băng vời như biển. Tổng thiệt hại ban đầu của huyện Hải Hậu ước tính vào khoảng 550 tỷ đồng, còn huyện Giao Thủy lớn hơn rất nhiều, khoảng 900 tỷ đồng. Nước mắt người nông dân không ngừng oán than tài sản mất trắng. Họ oán trời, oán đất, oán cả chính mình.
Sáng 29/10/2012. Bão tan. Bầu trời huyện Hải Hậu yên ắng, xanh ngăn ngắt. Có vẻ gì bình yên sau một đêm gió bão quăng quật, vậy mà trên nhiều cánh đồng các xã Hải Tân, Hải Phương, Hải Triều, Hải Quý… không khí tang thương, u uất đang đè nặng trên từng nét mặt, giọng nói của người nông dân.
Cánh đồng trồng cây vụ đông lớn nhất huyện Hải Hậu nằm ở xã Hải Tân. 6 giờ sáng, khi trời vừa ngớt mưa, hầu hết dân trong xã kéo nhau ra đồng để thực hiện chỉ thị khẩn “rút nước cứu lúa và cây trồng vụ đông” của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tìm. Đông đủ thế, nhưng sự có mặt của mọi người chỉ để chứng kiến nỗi đau mà ông trời đổ lên đầu nông dân Hải Tân chứ chẳng thể vớt vát được gì nữa.
Ông Trần Thanh Hoài, Chủ nhiệm HTXNN Hải Tân có mặt ở cánh đồng này sớm nhất. Ông ra để chỉ đạo các xã viên dùng máy bơm tiêu úng nước hi vọng cánh đồng còn sót lại thứ gì hay thứ đó. Nhưng chẳng còn gì cả. 270 mẫu hoa màu vụ đông hoàn toàn bị nhấn chìm trong biển nước. Trong đó bí xanh có 170 mẫu, cải 75 mẫu, còn lại là hoa màu các loại. 100 mẫu lúa Tám nếp cũng chỉ còn lờ vờ vài ba cọng ngoi lên.
“Bão quật nát hết thân cây trồng nên có tát thì cây cũng chết. Lúa ngập trong nước, bơm tiêu úng cũng mất vài ngày, coi như mất trắng vụ này, không có cách gì cứu vãn”.
Cả huyện Hải Hậu có 3.500 ha cây trồng vụ đông bị mất trắng. Trên bờ nông dân khóc hoa màu bao nhiêu thì dưới ruộng nước mắt cũng rớt bấy nhiêu vì cây lúa. 1.500 ha diện tích lúa Tám nếp đặc sản nổi tiếng của Nam Định, bão số 8 chẳng chừa một mảnh nào.
Ngồi bó gối chờ anh chồng tên là Phạm Văn Nhân đi kéo máy bơm về tiêu úng, chị Đặng Thị Liên (xóm 8, xã Hải Phường) chực khóc. 2 vợ chồng và 3 đứa con chỉ biết trông vào 9 sào ruộng. Cứ mỗi vụ lúa, tiền phân bón, tiền giống, tiền cày bừa tốn mất 1 triệu một sào. Bão vào, 9 sào ruộng, thứ bị gió quật trơ rạ, thứ bị nhấn chìm khiến chị chỉ còn cách than thở: Thua trời hết chú à, sao làm nông dân lại khổ như thế này hả chú?
Miếng ăn đến mồm bão còn cướp mất
Không khí tiêu điều, tan hoang cũng bao trùm lên những cánh đồng ở huyện Giao Thủy. Có khác chăng nông dân Hải Hậu khóc lúa, khóc hoa màu thì người Giao Thủy cạn nước mắt bên những cánh đồng nuôi tôm bị nước cán băng vời như mặt biển. Cứ tưởng 1.000 ha lúa mùa chưa gặt ngập sâu trong nước, ước tính thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng, 1.500 ha cây trồng vụ đông trị giá khoảng 7,5 tỷ đồng mất trắng đã là to, nhưng những mất mát ấy chẳng thấm tháp vào đâu so với những người nuôi trồng thủy sản ở huyện ven biển này.
Chỉ tính riêng phần vây vạng và chòi canh thủy sản bị bão đánh sập đã cuốn mất của người dân Giao Thủy gần 200 tỷ đồng. Cộng thêm diện tích nuôi tôm, diện tích nuôi ngao, bão số 8 đã cướp mất thì thiệt hại mà người dân nuôi trồng thủy sản trong huyện phải gánh chịu không dưới 800 tỷ đồng.
Ngồi thẫn thờ bên cánh đồng tôm xã Giao Phong, hai nông dân trẻ tuổi Nguyễn Văn Tuyến và Nguyễn Văn Kiều vẫn chưa tin nổi vì sao bão số 8 lại vào Giao Thủy, vì sao gia đình mình lại trắng tay chỉ trong vòng có một đêm bởi chỉ còn một tuần nữa là có thể thành tỷ phú cơ mà.
“8 giờ tối tôi còn nghe đài nói bão vào ở đâu bên Ninh Bình, sợ ảnh hưởng nên gọi hỏi tổng đài 1068, nhưng họ cũng không biết bão vào đâu. Vậy mà đến 8 giờ 30 nhà bị đánh sập, đầm tôm bị san phẳng lỳ như mặt biển. Gió quật gãy cột điện, gió tốc sập chòi canh, gió quật vào tường nhà rung bần bật. Cả cái khu nuôi tôm này, nhà nào nhà nấy ôm nhau khấn trời đừng có mưa thêm nữa mà ngập mất ao hồ. Khấn được 30 phút thì bỏ vì nhìn ra cánh đồng tôm chỉ còn thấy một màu trắng xóa. Nước dâng cao gần 3 mét, toàn bộ 50 ha nuôi tôm của người dân Giao Phong bị nước cân bằng tựa mặt hồ”, Tuyến bàng hoàng kể.
Vụ này gia đình Tuyến nuôi 1 ha tôm. Đầu vụ thả 70 vạn giống, nếu theo chu kỳ như mọi năm thì chỉ còn 5 ngày nữa là xuất tôm. Một kg tôm 50 con có giá 45 ngàn. Nhà Tuyến vụ này tròm trèm 12 tấn, 1,6-1,7 tỷ đồng tưởng đã nắm trong tay vì có nhiều thương lái đến hỏi hàng. Mấy hôm nay nghe đài báo bão nhưng cả xóm nuôi tôm Giao Phong không ai nghĩ sẽ ảnh hưởng đến mình.
Chiều hôm trước khi thấy gió, thấy mưa, cánh Tuyến, Kiều còn vắt chân uống bia với hút thuốc lào, nói cười sằng sặc. Bão đi qua, thủ phủ tôm của huyện Giao Thủy không khí chẳng khác nào đưa đám. Giấc mộng tỷ phú chỉ cách vài ngày không đến được đã đành, hộ nào hộ nấy quay quắt trong nỗi sợ hãi nợ nần. Nhà Tuyến nợ ngân hàng 600 triệu, nhà Kiều nợ ngân hàng 450 triệu. Mỗi tháng hơn 10 triệu tiền lãi, lấy gì để trả bây giờ. Tiếc của, cay cú, Tuyến vớ chiếc đài tối qua báo thông tin bão lằng nhằng ném vào tường vỡ nát.
 “Nếu đài báo đúng thì dân tôi không đến nỗi nào. Một là có thể phòng chống, ke bờ, đắp lưới, căng bạt mà bảo vệ. Hai là có thể thu hoạch sớm, vớt vát được phần nào. Đằng này chẳng nghe ai thông báo bão vào Giao Thủy nên dân tôi có biết gì đâu. Mất thì mất rồi, chỉ tiếc, nếu biết được thông tin thì đỡ đi nhiều lắm”, Tuyến than.
Không chỉ thiệt hại nặng nề về tài sản, huyện Giao Thủy còn gánh chịu nỗi đau con người. Bà Cao Thị Tuyết (62 tuổi) ở thị trấn Quất Lâm đang trú bão trong chính ngôi nhà của mình thì nhà bị sập, bà bị đè chết. Trong lúc đi kiểm tra ao hồ, ông Phạm Huy Tược (47 tuổi) ở xóm 8 xã Giao Hải bị bão cuốn mất tích, hiện chưa tìm thấy. Bà Đinh Thị Khương (61 tuổi) ở xã Giao An bị bão quật gãy chân.
+ Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Nam Định đến cuối ngày 29/10 bão số 8 khiến 1 người chết, một người mất tích và 3 người bị thương. 3 vị trí đê kè biển ở huyện Hải Hậu sụt lún với diện tích 200m2. Kè Quần Liêu ở huyện Nghĩa Hưng, và kè Cống Chúa ở huyện Giao Thuỷ bị sạt. Ước tính thiệt hại 25 tỷ đồng. Chi phí bơm tiêu chống úng tốn khoảng 30 tỷ đồng.
Về nông nghiệp hơn 3.810 ha lúa, hơn 12.800ha cây trồng vụ đông bị đổ và ngập, ước tính thiệt hại khoảng 252 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực thuỷ sản, bão số 8 làm hư hại 600 chòi canh, diện tích nuôi ngao vạng và thuỷ sạn nước lợ 1.700 ha mất trắng, ước thiệt hại 50 tỷ đồng.
Điện lực đổ nghiêng 500 cột cao thế, 5.000 cột hạ thế, 100 trạm hạ thế, 19 tuyến trung thế và 3 trạm 110 kVA chưa đóng được điện, hư hỏng nhiều tuyến đường dây, ước thiệt hại 100 tỷ đồng. Bưu chính viễn thông 31 cột thu phát sóng bị đổ, 63 tuyến cáp quang bị đứt, hàng ngàn cột treo cáp bị gãy đổ ước tính thiệt hại 300 tỷ đồng.
Cột phát sóng của đài phát thanh truyền hình TP Nam Định cao 180m bị gãy đổ, thiệt hại hơn 50 tỷ đồng… Hàng ngàn nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng, hàng chục ngàn cây bóng mát, cây ăn quả bị gãy đổ, biển quảng cáo, trang trí bị hư hại… ước thiệt hại 100 tỷ đồng.
+ Tại cuộc họp nhanh sáng 29/10, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đánh giá: Bão mạnh, diễn biến bất ngờ cộng thêm tâm lý chủ quan của người dân và một bộ phận lãnh đạo nên thiệt hại khá lớn, đặc biệt là về nông nghiệp. Còn ông Nguyễn Văn Tìm, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu nhận định: Bão số 8 sẽ là bài học đích đáng về công tác dự báo, công tác chuẩn bị và ứng phó.
Theo: Nongnghiep

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))