17 thg 2, 2012

Thực phẩm nông nghiệp: Chưa sạch... “độc tố”

Luật An toàn thực phẩm (ATTP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, đã qua hơn 7 tháng thực hiện nhưng đến nay công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản ở nhiều địa phương chưa có sự chuyển biến rõ rệt so với các năm, thậm chí còn xảy ra nhiều vi phạm hơn. 

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau quả vẫn còn khá phổ biến. Đây là những nội dung được các chuyên gia nhận định trong hội nghị nâng cao năng lực quản lý chất lượng ATTP nông nghiệp mà Bộ NN&PTNT vừa tổ chức.

Còn nhiều hạn chế

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, qua kiểm tra 2.629 cơ sở sản xuất, kinh doanh, có 702 cơ sở vi phạm về điều kiện ATTP, chiếm 21%. Trong 207 mẫu thực phẩm, nông sản kiểm tra, phát hiện 38 mẫu vi phạm về dư lượng thuốc BVTV, hóa chất. Ngoài nguyên nhân do sự thiếu hiểu biết của người sản xuất còn có cả sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ ngành quản lý chất lượng nông, lâm sản.
Nhiều nông dân còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thái Hiền
Hiện nay, tồn dư thuốc BVTV trong rau quả vẫn còn nhiều. Tháng 1-2012, qua kiểm tra mẫu rau quả tại các chợ đầu mối đã phát hiện 10% số mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV cho phép. Ngoài ra, việc quản lý các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở nhiều địa phương còn bị buông lỏng; nông dân cũng chưa đủ kiến thức sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý và an toàn cho chính bản thân họ và sản phẩm nông nghiệp, dẫn đến tồn dư trong rau quả. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, việc quản lý chất lượng, VSATTP nói chung và thịt nói riêng yếu nhất vẫn ở khâu sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, 80% sản phẩm chăn nuôi là chăn nuôi nông hộ, còn chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm 20%. Thực tế, chăn nuôi nông hộ thường không quan tâm nhiều đến dịch bệnh, môi trường và VSATTP, nên việc sử dụng những hóa chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn mà chưa được xử lý nghiêm ngặt đã ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Trong tháng 1-2012, Cục Chăn nuôi phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, bắt giữ một đối tượng đang vận chuyển 5kg Salbutamol hàm lượng 98% trên đường đi tiêu thụ. Đây là loại thuốc mà Việt Nam đã cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. 

Quản lý theo chuỗi

TS Vũ Trọng Bình, Viện Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, việc quản lý chất lượng VSATTP trong nông nghiệp đang trở thành vấn đề nóng cần quan tâm. Để quản lý được việc này chúng ta phải tăng cường hoạt động theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ nhưng phải đồng bộ trong cơ chế chính sách của Nhà nước, tránh chồng chéo giữa các văn bản luật của nhiều đơn vị bộ, ngành khác nhau về quản lý VSATTP. Khi xây dựng theo chuỗi nên tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp có độ rủi ro cao như thịt, thủy sản, rau, quả, chè để định hướng xuất khẩu. Cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân để khi họ tham gia vào quá trình sản xuất sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Nâng cấp các điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Sản xuất nông nghiệp nước ta quy mô manh mún, nhỏ lẻ nên để quản lý tốt về VSATTP cần liên kết nông dân lại với nhau, gắn họ vào các tổ HTX để sản xuất tập trung. Mỗi vùng nên xây dựng từ 8-10 mô hình chăn nuôi tập trung nhằm từng bước xóa bỏ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Về trồng trọt, cần xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, HACCP…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, năm 2012, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của bộ. Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để từng bước kiểm soát được chất lượng. Các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tăng cường năng lực của hệ thống để đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ sở về quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, người sử dụng cần có ý thức hơn về vấn đề VSATTP, kiên quyết không sử dụng những sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết! Nếu có thắc mắc, nhận xét, phản hồi các bạn vui lòng nhận xét

:) :( :)) :(( =))